Từ việc “hồi sinh” dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Rút kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn các dự án khác

Ngày 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân viên đang triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào sáng 8-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân viên đang triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào sáng 8-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Khởi động từ năm 2011, Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 1.200MW - thuộc nhóm lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc bộ, với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng và là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý khiến bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021). 

Sau nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo Chính phủ, bộ, ban, ngành và chủ đầu tư để tháo gỡ, dự án đã được thi công trở lại. 

Tiến độ thực tế của dự án tại thời điểm hiện tại đã đạt hơn 93%; giải ngân đạt gần 85%, chuẩn bị hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1. PVN đang phấn đấu đến 30-11 sẽ vận hành thương mại Tổ máy số 1 và vận hành thương mại toàn bộ nhà máy vào 31-12.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh cho biết, tại cuộc họp cách đây 7 tháng, PVN đã đề nghị bố trí thêm nguồn vốn nhà nước để hoàn thành dự án. Trong tình hình khó khăn, Thường trực Chính phủ và các cơ quan quyết định không sử dụng kinh phí nhà nước mà cơ cấu lại nguồn vốn 41.799 tỷ đồng của dự án; đồng thời đánh giá sát tình hình để tổ chức lại công việc; bố trí lại nhân sự; các bộ ngành vào cuộc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.

Chỉ qua 7 tháng, công việc đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Việc đưa nhà máy vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế. Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm, nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi đi vào vận hành, dự án có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách của Thái Bình. 

Chỉ ra 6 bài học rút ra từ việc “hồi sinh” dự án (trong đó có công tác nhân sự, khi việc thay đổi nhân sự ban quản lý dự án và nhà thầu một cách phù hợp tình hình đã tạo ra những chuyển biến trong công việc), Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các công việc để dự án sớm đi vào hoạt động, sớm hòa lưới điện quốc gia. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với dự án Nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng và một số dự án khác đang chậm tiến độ.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Thủ tướng cũng dự lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải và dự lễ khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tin cùng chuyên mục