Từ “trái phiếu xanh” đến “tòa nhà xanh”

Trong khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường tại châu Âu thì cũng là lúc các nhà hoạch định chính sách hậu đại dịch của lục địa già càng quyết tâm quay về giá trị xanh. 

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến về Sáng kiến tài chính môi trường của Liên hiệp quốc ngày 14-10, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde kêu gọi cần một cú hích lớn hơn để đầu tư vào các “dự án xanh” vì môi trường, nếu các nước nghiêm túc trong việc đạt các mục tiêu bảo vệ khí hậu.

Theo bà Lagarde, từ lâu ECB mong muốn rằng các chính sách khí hậu có một vị trí trung tâm hơn trong chính sách tiền tệ của ECB, theo đó, tổ chức tài chính này sẽ có cơ chế kích thích quy mô lớn để đạt mục tiêu trái phiếu xanh. ECB mô tả trái phiếu xanh là loại trái phiếu để tài trợ cho các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường, khác với các trái phiếu gắn với các công ty thải nhiều khí CO2 hoặc các lĩnh vực được gọi là “nâu”, vốn làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Vấn đề là ở chỗ ECB hiện nay thiếu một tiêu chí rõ ràng cho trái phiếu xanh cũng khiến các nhà đầu tư khó có thể đánh giá một dự án đầu tư thân thiện với môi trường đến mức nào. Vì vậy, bà Lagarde kêu gọi sửa những “lỗi thị trường” này trong tài chính xanh. Hiện một số nước đã phát hành trái phiếu xanh như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Litva. Tháng trước, ECB đã chấp nhận một loại trái phiếu mới gắn với sự bền vững được bổ sung vào các khoản vay cho các ngân hàng kể từ tháng 1-2021. 

Trong khi chờ đợi cú hích từ trái phiếu xanh, trước mắt, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch “tòa nhà xanh”, theo đó tiến hành “xanh hóa” các tòa nhà trên khắp châu Âu để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời hỗ trợ 34 triệu người dân EU đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng. Việc còn khá nhiều tòa (nhà ở lẫn nhà công) vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm là nguyên nhân tạo ra hơn 1/3 lượng khí thải CO2 tại EU và điều này đòi hỏi EU phải điều chỉnh kế hoạch để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. 

Theo EC, chỉ riêng việc nâng cấp nhà xã hội sẽ cần thêm 57 tỷ EUR (67 tỷ USD) trong đầu tư hàng năm. EU sẽ trích từ khoản tiền 672,5 tỷ EUR trong quỹ phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 để hỗ trợ dự án. Số tiền còn lại sẽ đến từ các khoản thu từ thị trường carbon, trong khi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án này. 

EC cũng sẽ thay đổi các quy định hỗ trợ nhà nước, cho phép các chính phủ tăng tài trợ quốc gia. Trọng tâm trong kế hoạch của EU sẽ là các tiêu chuẩn hiệu suất sử dụng năng lượng tối thiểu bắt buộc cho tất cả các tòa nhà hiện nay tại EU. EC dự kiến đề xuất các tiêu chuẩn này vào năm 2021, đề ra thời hạn áp dụng và mức tiết kiệm năng lượng mà mỗi tòa nhà cần đáp ứng.

Điều này sẽ buộc các chủ tòa nhà, trong đó có chủ các tòa nhà thương mại, phải đáp ứng tiêu chuẩn này để cho thuê bất động sản. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội vàng cho những nhà đầu tư bắt kịp những mục tiêu môi trường và tạo nền tảng cho sự chuyển giao xanh.

Tin cùng chuyên mục