Từ thành công của sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản

Mới đây, tại diễn đàn trao đổi công nghệ và nông sản Việt Nam - Nhật Bản do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chia sẻ những câu chuyện về phát triển sản phẩm địa phương. Vài thập niên trước đây, Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong nông nghiệp, khi đó tỷ lệ ruộng bỏ hoang có thời điểm lên đến trên 4.200ha, đe dọa đến an ninh lương thực trong nước. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và kết quả là hàng loạt công ty nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp cao đã ra đời.

Từ đó, Nhật Bản đã trở thành quốc gia nổi tiếng thế giới về công nghệ nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, nhờ vào quá trình ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực này. Có thể thấy, nếu được nhà nước hỗ trợ, cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, chắc chắn nền nông nghiệp sẽ phát triển.

Cách đây vài chục năm, tỉnh Oita của Nhật Bản gần như không có sản phẩm gì đặc biệt. Lúc đó, chính quyền tỉnh Oita đã tìm tòi, trợ giúp nông dân phát triển những sản phẩm vốn dĩ rất gần gũi trong cuộc sống thành những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Họ luôn tạo không gian, cung cấp địa điểm; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, hội thảo; mời nông dân đến trao đổi kinh nghiệm sản xuất… Song song đó là tổ chức hội thảo tư vấn kỹ thuật và cách thức sản xuất hiệu quả; cách thức tổ chức cuộc sống sinh hoạt trong văn hóa, giáo dục, y tế, sức khỏe cho nông dân, nhằm thay đổi thói quen cũ, nếp nghĩ lạc hậu. 

Cùng với đó, tỉnh Oita khuyến khích thanh niên nông thôn không ngừng học tập, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương, cải tiến mẫu mã để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cũng chính là người tiếp thị.

Trong những chuyến công tác, thống đốc tỉnh Oita mang thịt bò, rượu Oita lên Tokyo bán và quảng bá hình ảnh hợp tác xã nông nghiệp, làng du lịch của địa phương. Chính quyền tỉnh liên tục đưa hình ảnh chi tiết, viết bài về từng tập thể, cá nhân cụ thể lên chương trình truyền hình, truyền thanh và báo chí của tỉnh. Nông dân trong tỉnh luôn được khích lệ vì thấy hình ảnh của mình trong đó. 

Tỉnh Oita không thành lập hội đồng tuyển chọn đánh giá phân loại sản phẩm, mà sản phẩm là do thị trường, người tiêu dùng quyết định. Thông qua Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” mà cuộc sống người dân ở nhiều vùng của Nhật Bản tốt hơn.

Bài học của Nhật Bản cho thấy vai trò của chính quyền địa phương cực kỳ quan trọng. Họ là “bà đỡ” cho sự thành công. Chính phủ có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ, còn người nông dân hiểu rõ rằng đất nước đã hội nhập, các sản phẩm nông nghiệp muốn tiêu thụ tốt phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục