Từ “tâm thư” đến mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp

Sau gần 3 tháng nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa trực tiếp viết “tâm thư” gửi các nhà khoa học với sự cầu thị, mời gọi các nhà khoa học hãy vượt qua những trở ngại về chính sách, tích cực nghiên cứu, đưa thành tựu khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Mới đây, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN cũng gặp gỡ, thực hiện lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH-CN giai đoạn 2021 - 2030 với kỳ vọng đưa nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp lên tầm cao mới. 

Theo vị bộ trưởng xuất thân từ “vựa lúa” của cả nước, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã và sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp. Khi kết hợp được “cái đầu của nhà khoa học” và “cái túi của doanh nghiệp” thì sẽ tạo sự cộng hưởng, tạo ra những sản phẩm đi vào đời sống nhanh nhất.

Những động thái này không chỉ khẳng định tầm quan trọng và vai trò “đòn bẩy” của KH-CN đối với tăng trưởng, mà còn cho thấy sự thay đổi về tư duy chiến lược phát triển nông nghiệp nước ta trong bối cảnh mới. 

Từ giai đoạn đổi mới (1986) đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã lập được nhiều kỳ tích, luôn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm. Từ thiếu đói, chúng ta đã vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 15 thế giới về xuất khẩu, hàng hóa có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dẫu vậy, ngành nông nghiệp được nhìn nhận vẫn còn lạc hậu, nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ “chập chững”. Tình trạng này là do mức đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp chưa tương xứng với nhu cầu; do cơ chế chính sách còn bất cập nên đã để lãng phí nhiều tài năng và chất xám. 

Thêm nữa, Bộ NN-PTNT có 11 viện nghiên cứu với tổng số gần 8.000 cán bộ. Tuy nhiên, theo như TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, yếu tố cản trở lớn nhất với hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất, mà chính là đội ngũ cán bộ thiếu động lực. Do kế hoạch nghiên cứu khoa học được các cơ quan quản lý nhà nước chỉ định đối với người nghiên cứu, nên không ít sản phẩm chỉ dừng ở báo cáo khoa học và sau đó bị bỏ quên trong “ngăn kéo”. Để chấm dứt tình trạng này, đòi hỏi có một “thị trường khoa học” sôi động và nhộn nhịp ở Việt Nam như bức thư ngỏ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi các nhà khoa học. Theo đó, Nhà nước có thể đặt hàng, giao khoán công trình, kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học ở các đơn vị nghiên cứu khoa học công lập, nhưng chỉ nghiệm thu khi dự án được doanh nghiệp, bà con nông dân đón nhận. 

Cùng đó, Nhà nước tiếp tục làm người tạo cơ chế, chính sách ưu đãi vốn vay, đất đai, thủ tục thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà khoa học tự đầu tư nghiên cứu, sau đó mua lại các phát minh, sáng chế của họ. Chẳng hạn như câu chuyện Bộ NN-PTNT có chủ trương mua lại bản quyền giống lúa ST24, ST25 “ngon nhất thế giới” của nhóm nhà khoa học ở Sóc Trăng, để chuyển giao cho nông dân ở các địa phương trồng và xuất khẩu gạo. Hợp tác quốc tế cũng là cách tranh thủ khai thác trí tuệ và công nghệ của các nước phát triển. 

Nếu hoạt động KH-CN được “chủ nhân hóa, thị trường hóa, tư nhân hóa, quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn thì chắc chắn sẽ huy động được nguồn lực to lớn của xã hội và quốc tế, giảm bớt gánh nặng chi từ ngân sách cho nghiên cứu khoa học công lập, hiện thực hóa “giấc mơ” đến năm 2030 đưa sản xuất nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới. 

Tin cùng chuyên mục