Tu sửa hay phá hoại cấp thiết?

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi cây đa lớn ở đình Chèm - Di tích Quốc gia đặc biệt bị chặt hạ thì đến nay mới chỉ duy nhất Ban Khánh tiết của đình nhận trách nhiệm về việc tự ý chặt hạ cây. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về việc liệu có xảy ra sự lạm dụng trong thực hiện dự án tu sửa cấp thiết?
Những gì còn sót lại của cây đa khổng lồ. Ảnh: THU HÀ
Những gì còn sót lại của cây đa khổng lồ. Ảnh: THU HÀ

Theo Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chỉ rõ: “Tu sửa cấp thiết di tích, đối tượng kiểm kê di tích là hoạt động sửa chữa mà không phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc hoặc chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích, đối tượng kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại”. GS Trần Lâm Biền phân tích rõ thêm, việc tu sửa cấp thiết có thể hiểu là sửa chữa nhỏ: “Ngói vỡ, mưa dột thì thay viên ngói, cột kèo bị mục ruỗng nguy cơ sập đổ - chống đỡ tạm thời. Tôi nhấn mạnh từ tạm thời vì những tu sửa lớn, có tính chất lâu dài khác phải có dự án được thẩm định kỹ lưỡng của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy mới đảm bảo được yếu tố văn hóa và nguyên gốc của di tích”.

Việc đưa ra quy định về tu sửa cấp thiết đã từng được đánh giá là “cứu cánh” với nhiều di sản đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí cũng như chưa có được phương án, dự án tốt. Song tại thời điểm hiện nay, quy định về sự cấp thiết ấy cũng đã dần bộc lộ những kẽ hở. Thay vì phải thực hiện đầy đủ quy trình nghiêm cẩn với sự tham góp của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, với dự án tu sửa cấp thiết, việc duyệt và thỏa thuận, kể cả với di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt cũng chỉ dừng lại ở cấp quận, huyện và sở văn hóa ở địa phương. 

Quy trình gọn gàng này rất phù hợp với những trường hợp cần phải tu sửa khẩn cấp để bảo vệ di sản. Song, khi tính cấp thiết này bị lợi dụng cũng dễ khiến cho di sản bị tổn thương rất nhanh mà cơ quan chức năng trở tay không kịp. Ví dụ như ở dự án tu sửa cấp thiết ở đình Chèm, các hạng mục chỉnh trang lại sân đường, tường rào… theo ghi nhận tại di tích có thể nhìn thấy là chặt bỏ cây đa hàng chục năm tuổi; lột bỏ bậc thềm đá cũ và xây cửa phụ mái vòm... Những hạng mục này có thuộc mục tiêu chống đỡ tạm thời để ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại?

Di sản không phải của riêng ai, mà là tài sản của nhân dân. Bởi vậy với di sản, không chỉ là sự trân trọng mà còn là trách nhiệm gìn giữ và lan tỏa. Nếu không sát sao hơn, nghiêm khắc hơn, nếu để việc tu bổ, tôn tạo di tích được tàng hình với những quy định “tu sửa cấp thiết” nhằm né tránh việc lập dự án tu bổ, sửa chữa theo đúng quy trình theo luật định thì ngành di sản văn hóa sẽ tiếp tục “chữa cháy” đến khi nào?

Tin cùng chuyên mục