“Tự sự của hạt mưa” hay tự sự của những kiếp người

Sau các công trình nghiên cứu về điện ảnh, mới đây, Tiến sĩ Lý luận văn học Đào Lê Na vừa giới thiệu đến độc giả tiểu thuyết Tự sự của hạt mưa (NXB Phụ Nữ). Tác phẩm là hành trình của nhiều nhân vật, qua nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á.

Câu chuyện bắt đầu bằng một vụ mất trí nhớ; tiếp nối bằng những cuộc hành trình xuyên qua năm quốc gia Đông Nam Á: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore; dẫn dắt bằng sự hồi tưởng và đối chiếu với kí ức cá nhân, ký ức tập thể, hiện thực xã hội tại quê hương của hai nhân vật chính - Việt Nam; rồi kết lại bằng sự giác ngộ, bằng sự trở về của trí nhớ để trả lời câu hỏi quan trọng nhất đã khởi cho hành trình đó bắt đầu: Tôi là ai?

Tiểu thuyết "Tự sự của hạt mưa" của Tiến sĩ Đào Lê Na với nghệ thuật kể chuyện độc đáo, phi tuyến tính. 

Tự sự của hạt mưa không đòi hỏi một đáp án, dù nó mở đầu bằng một sự kiện bất thường (nhân vật chính mất trí); không phải là du ký, dù mạch truyện được nối bằng trải nghiệm văn hóa xuyên quốc gia; không phải là hồi ký, dù câu chuyện đan xen nhiều hồi tưởng và chiêm nghiệm cá nhân; không phải là phê bình, dù chứa đựng những phân đoạn bình luận nghệ thuật lẫn phân tích xã hội thú vị.

Tác phẩm dường như đang nỗ lực xóa mờ ranh giới thể loại để kể trọn vẹn câu chuyện mình muốn kể. Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của tác phẩm với trọng tâm đặt vào bản thân câu chuyện và hành trình kể lại câu chuyện đó một cách thành thật, êm ái nhưng thẳng thắn.

Bởi tập trung vào câu chuyện, nên nghệ thuật kể chuyện chính là trọng tâm trong lối diễn đạt của tác phẩm. Chọn kĩ thuật kể đa điểm nhìn, câu chuyện tưởng như tuyến tính nhưng dần hiện ra phi tuyến tính với sự lồng ghép nhiều giọng kể, nhiều ký ức và chiêm nghiệm phi tuyến tính. Thế giới nghệ thuật trong Tự sự của hạt mưa vì thế rộng và đa chiều, dù chỉ gồm hai nhân vật chính. Tôi nghĩ đây là một lựa chọn kĩ thuật sáng suốt bởi nó làm được hai điều: đủ rộng để Lê Na đưa những hiểu biết phong phú về nghệ thuật và xã hội vào bồi đắp cho nền tảng truyện; đủ đa chiều để thể hiện tứ truyện: thân phận người như những hạt mưa đan vào nhau trong cái bao la của cuộc đời.

Xuyên suốt câu chuyện là sự hóa thân của bốn biểu tượng tự nhiên: đất, nước, gió, lửa. Giây phút đầu tiên X. nhớ lại được những ký ức ngày xưa là nhờ một cơn gió mang một thứ mùi thân thuộc, mùi của quê hương. X. dần lần về với quá khứ cũng từ hình ảnh và câu chuyện của những vùng đất, những đại dương, những ngọn lửa thấp thoáng trong chuyến đi, trong giấc mơ, trong nỗi sợ hãi, trong những tác phẩm nghệ thuật.

Tiến sĩ Đào Lê Na hiện là Giảng viên của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM 

Con người, trong hành trình tìm kiếm chính mình, dường như luôn cần tìm về căn tính người giữa tự nhiên. Tự nhiên đó không đơn thuần chỉ là một hiện tượng sinh thái, mà được thể hiện qua biểu tượng về một hệ sinh thái nơi những tiểu vũ trụ và đại vũ trụ tìm thấy sự tương giao, hay đúng hơn là tìm thấy cội nguồn trong nhau. Càng về cuối, nhân vật dần học được cách trò chuyện với tự nhiên, với gió, nước, cỏ cây và sinh vật. Cũng như niệm kinh là cuộc trò chuyện với tâm linh và trực giác, với trí tuệ và triết học, con người trong Tự sự của hạt mưa trở về như chính những hạt mưa của đất trời để hòa làm một với thế giới, để hiểu rằng đọc kinh hay giao tiếp với thế giới đều phải dùng cảm thức, chứ không chỉ hữu thức.

Có ý kiến cho rằng Tự sự của hạt mưa là tiểu thuyết sinh thái. Tôi thấy ý kiến đó thú vị, dù ta cũng có thể hiểu rằng các cổ mẫu sinh thái là cấu trúc cho hành trình tìm kiếm bản ngã và căn tính của nhân vật chính, hơn là một thể loại. Tôi vẫn nghĩ câu chuyện này của Lê Na không đóng khung trong một thể loại cụ thể nào.

Nổi bật trong câu chuyện là việc xây dựng hình tượng người nữ. Hình tượng nữ trong Tự sự của hạt mưa đa dạng, trải dài từ những lựa chọn truyền thống đến những tư tưởng nổi loạn, đi từ những trải nghiệm cá nhân đến những kí ức cộng đồng, hiện lên thông qua những chấn thương tinh thần lẫn thể chất.

Hành trình đi tìm “tôi” của X. và M., thực chất, là hành trình trưởng thành của hình tượng nữ để định vị mình, để hiểu những dấu ấn, những sợi dây vô hình kết nối mình với cộng đồng, với quê hương, với cội nguồn văn hóa, và hơn hết là với bản thân mình.

Rốt cuộc thì, hạt mưa nào cũng cần phải nhớ ra, ta là ai, ta từ đâu đến, ta sẽ rơi về đâu để đi cho trọn số kiếp này. Tự sự của hạt mưa khép lại bằng một plot twist để ta hiểu rằng, mọi câu chuyện trên cuộc đời hình như đều liên kết với nhau, như những hạt mưa, những dòng chảy, những ký ức của cá nhân và thế hệ.

Tin cùng chuyên mục