Từ những sản phẩm “nhà quê”

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TPHCM thời gian gần đây có sức hút đặc biệt với các bạn trẻ. Không chỉ tỏ rõ sự áp đảo trong các dự án khởi nghiệp, mà rất nhiều bạn trẻ đã đạt được thành công từ những sản phẩm “nhà quê” của mình.
Anh Nhân và sản phẩm độc đáo từ xơ mướp
Anh Nhân và sản phẩm độc đáo từ xơ mướp
1. Xơ mướp trước giờ ngoài việc dùng làm miếng rửa chén, gần như không dùng được vào việc gì. Vậy mà anh Mạc Như Nhân, 37 tuổi, chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm (quận 12) đang hái ra tiền từ phế phẩm này.
Những ý tưởng từ xơ mướp chưa bao giờ cạn với anh Nhân. Từ dòng sản phẩm thời trang với túi đeo, nón, cả giày dép; dòng sản phẩm chăm sóc da thì có bộ massage mặt, cọ lưng...; đồ gia dụng - lưu niệm - trang trí là kẹp móc khóa, miếng rửa chén, miếng chà chân, tranh, hoa khô và cả lọ cắm hoa... Tất cả đều được chủ nhân tạo hình một cách khéo léo và không đụng hàng. Anh cho hay, mình phải đi đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… để thu mua xơ mướp về giặt sạch, ép, đem đi nhuộm và lên khuôn thiết kế. 
Anh Nhân kể: “Từ nhỏ, tôi đã tự tay làm ra nhiều sản phẩm, có cả những sản phẩm làm bằng xơ mướp để tặng bạn bè hay bán cho những Việt kiều quen biết. Khi vào TPHCM làm trong lĩnh vực trang trí nội thất, tôi nhận thấy xu hướng người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm làm bằng tay (handmade) từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên. Thế là tôi quay lại với vật liệu xơ mướp”.
Do là sản phẩm tiêu dùng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cho món đồ, anh cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Tất cả các sản phẩm đều không dùng hóa chất, hoàn toàn làm thủ công rất an toàn cho người sử dụng. Hiện tại, với thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng từ kinh doanh xơ mướp, anh Nhân có động lực và vốn để tính đến chuyện xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
2. Nông dân rất muốn trồng thực phẩm sạch, an toàn nhưng chi phí đầu tư rất cao. Một hệ thống nhà kính, màng lưới lên tới cả tỷ đồng/1.000m2 đất. Số tiền này không phải ai cũng có khả năng. Trong khi các nông hộ chủ yếu canh tác trên đất ruộng, nếu hướng cho họ chọn giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, năng suất cao, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì vẫn có thể cho ra đời nông sản sạch, an toàn. Từ đó, ý tưởng “Trồng dưa lưới sạch trên đất ruộng” được các bạn trẻ nhóm Thế hệ ưu tú (phường Hiệp Thành, quận 12) ấp ủ đang dần hiện thực hóa.
Trưởng nhóm Lê Minh Vương chia sẻ: “Đối với chúng tôi, sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra lương thực, thực phẩm mà còn có nhiều giá trị khác. Chúng tôi muốn tạo ra giá trị thương hiệu cho nông dân, giá trị gia công nông sản, giá trị của tổ chức. Việc áp dụng canh tác tiến bộ cần phù hợp với đa số nông dân ngoài đồng ruộng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững hơn”. 
3. Phạm Minh Công đến từ Đà Nẵng lại có niềm đam mê đặc biệt với… máng heo. Chàng trai 23 tuổi này luôn trăn trở về sức khỏe của những chú heo nếu ăn quá nhiều hoặc quá ít. Làm sao để luôn cân bằng, đảm bảo cung cấp đủ, đúng lượng thức ăn cần thiết để heo sinh trưởng, phát triển tốt? Nếu như có một chiếc máng ăn thông minh, tự cân đo, cung cấp thức ăn cho heo đúng bữa, đúng thời điểm, phù hợp với khối lượng cơ thể của từng loại heo thì heo sẽ hạn chế được bệnh tật, người chăn nuôi cũng giảm được chi phí khấu hao thức ăn chăn nuôi. Và “Dự án S&E - Máng ăn cho heo tự động” đã ra đời như thế.
Công cho biết: “Tôi muốn chia sẻ dự án này đến những người có kiến thức, các bạn có cùng ý tưởng và đam mê để được lắng nghe những góp ý từ họ. Từ đó, tôi cũng tìm cơ hội để được hợp tác, dẫn dắt từ những người đi trước”. Hiện, chiếc máng ăn thông minh vẫn đã và đang được nhóm của Công điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp hơn với thực tế. Cho heo ăn bằng hệ thống máy đã được lập trình sẵn, chỉ cần một cái “bấm nút” là khởi động, giảm bớt vất vả cho người nông dân chính là mục tiêu Công hướng đến. Chàng trai trẻ đang nuôi hy vọng chinh phục thị trường TPHCM bằng sản phẩm độc đáo của mình.
4. Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM nhận xét, khởi nghiệp nông nghiệp tại TPHCM đang rất thuận lợi. Ngành nông nghiệp TP chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, người muốn làm nông cũng dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới, vì nơi đây có các trung tâm về kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu cả nước như: Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp công nghệ cao…
“Nền nông nghiệp TP đang thực hiện đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, đặt vấn đề giá trị gia tăng cao. Với mục tiêu tăng thêm 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp, TPHCM đang tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút người khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đây cũng chính là cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ”, ông Trần Tấn Quý nhận định.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để khởi nghiệp nông nghiệp thành công, bạn trẻ ngoài ý tưởng sáng tạo, thiết thực, còn phải biết ứng dụng khoa học công nghệ, tạo thương hiệu cho sản phẩm. Phải thực sự đam mê nông nghiệp và theo đuổi lâu dài. Bởi sản phẩm nông nghiệp không giống những sản phẩm công nghiệp có thể đưa vào máy là ra thành phẩm. Sản phẩm nông nghiệp phải trải qua một quá trình chăm sóc và theo dõi lâu dài. Bên cạnh đó, khởi nghiệp nông nghiệp sạch phải thật sự có tâm, hãy đặt hết lòng mình vào trong đó để tạo ra sản phẩm thật sự tốt và an toàn cho cộng đồng 

Tin cùng chuyên mục