Tự hào và sống xứng đáng hơn với truyền thống dân tộc

“Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà cha ông đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước” - đó là điều mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, một trong những người lính của mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), luôn nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP khi chia sẻ về cuốn sách Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên mà ông cùng đồng đội đã dày công ấp ủ.

Ở tuổi ngoài 90, song ký ức về những năm tháng anh dũng mà khốc liệt trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc của người chỉ huy chiến đấu trên mặt trận khi ấy vẫn rất rõ ràng và tươi mới.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Ăm ắp các tư liệu quý giá

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17-2-1979 thực chất đã kéo dài trong 10 năm, riêng mặt trận Vị Xuyên kéo dài trong 5 năm. Nếu như ở lần thứ nhất, Trung Quốc đưa 600.000 quân vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam (từ ngày 17-2-1979, kết thúc ngày 18-3-1979) thì 5 năm sau đó, bắt đầu từ ngày 28-4-1984, Trung Quốc lần lượt huy động hơn 500.000 quân lấn chiếm biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là tỉnh Hà Giang). Cuộc chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên kết thúc vào tháng 10-1989, đồng thời là dấu mốc kết thúc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ phía Bắc, giữ vững toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Giãi bày về việc hoàn thành và cho ra mắt cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên khi đã bước vào tuổi 90, tướng Nguyễn Đức Huy khẳng khái: “Nếu chúng ta không khẩn trương sưu tầm, ghi chép lại những tư liệu sống, viết ra sách để lưu lại cho đời sau tham khảo về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà chúng tôi là nhân chứng thì thật có lỗi với các thế hệ kế tiếp”. Vì thế, dù tuổi đã cao nhưng vị tướng già Nguyễn Đức Huy cùng các đồng đội vẫn quyết định hoàn thành cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt này. Sau 2 năm chắp bút và một thời gian dài trước đó tập hợp các tư liệu, hình ảnh…, Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên, cuốn sách đầu tiên nói trực diện về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, với cái nhìn của người trong cuộc đã được xuất bản trong cảm xúc vỡ òa.

Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên như tái hiện chân thực về cuộc chiến đấu đầy quả cảm, sẵn sàng hy sinh từng tấc đất nơi biên cương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước. Ăm ắp sự kiện cùng các tư liệu quý giá, trong đó người đọc còn thấy những nỗi niềm khắc khoải, ám ảnh của người cựu chiến binh về sự hy sinh của đồng đội, quyết chiến đấu để giữ từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc. Những năm tháng chiến đấu khốc liệt in hằn trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: “Cuộc chiến tại Vị Xuyên đặc biệt ở chỗ: chiến trường chỉ kéo dài 20km và có chiều sâu 5km trên tuyến biên giới nhưng vô cùng ác liệt. Có những ngọn núi đá bị đạn pháo cối của địch bạt đi tới hơn 3m, nhiều ngọn núi đá vỡ trắng như miệng các lò vôi… Vị Xuyên là những bữa cơm với cá mắm khô, hiếm khi có thịt tươi, mỗi người chỉ có 1-2 lít nước sinh hoạt cho một ngày, và cả những lần nhường đất gieo rau cho bộ đội… Đó là chuyện về những người chiến sĩ sau giờ chiến đấu trên chốt lại “luân phiên xuống hang Dơi, hang Làng Lò tắm rửa, nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức”... Họ lên chốt chiến đấu với tâm trạng thoải mái “nhẹ như lông hồng”. Vuốt mắt cho đồng đội hy sinh, rồi cầm súng ra chiến hào chiến đấu với tinh thần “sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử”.

Hiểu về quá khứ để sống tốt hơn

Vị tướng già tâm sự: “Cũng có người nói với tôi rằng, liệu viết về những ký ức của chiến tranh giữa thời bình có khiến vết thương vừa lành da lại bật máu? Nhưng tôi cho rằng, công bố bằng bài viết, sách, các bài giảng trên học đường không phải để kích động hằn thù dân tộc, mà để giáo dục con cháu chúng ta nêu cao lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình cho dân tộc mình và các dân tộc trên thế giới. Viết sách là để giúp con cháu hiểu được cha ông ta đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền như thế nào. Các thế hệ sau cần biết, và có quyền biết về lịch sử để tự hào, để noi gương”.

Ông kể, sau nhiều năm, chiến trường xưa đã bao thứ đổi thay. Trên mảnh đất bạc màu vì bom đạn khi xưa là ruộng nương xanh tốt, là làng xóm, trường học, cuộc sống của bà con đã khá hơn nhiều. Song, những người cầm súng khi ấy vẫn canh cánh bởi bao đồng đội ngã xuống nay vẫn chưa được quy tập, hàng trăm thương bệnh binh không có giấy tờ được giúp đỡ để làm thủ tục hưởng chế độ chính sách… Chính vì nỗi canh cánh ấy, Ban liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc mặt trận 

Vị Xuyên, do ông là Trưởng ban, 5 năm qua đã kết nối với các thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều tỷ đồng đã được quyên góp để giúp đỡ đồng đội, đồng bào, nhất là nhân dân Vị Xuyên gặp khó khăn, thiên tai, bão lụt. Hàng chục bộ hài cốt đã được tìm kiếm và quy tập vào nghĩa trang. Cái tên “Vị Xuyên” cũng được nhắc đến nhiều hơn, rộng rãi hơn; các hoạt động thăm hỏi, tri ân thương binh, liệt sĩ ở mặt trận Vị Xuyên cũng được quan tâm hơn. Theo người tướng già, cuộc chiến tranh phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tuy vậy, lịch sử không thể bị lãng quên. Và, khi cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, khoảng lùi thời gian vừa đủ để cùng nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc toàn cảnh, khách quan hơn.

Tin cùng chuyên mục