Tự chủ đại học dễ hay khó?

Ngày 15-11, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo "Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập".
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và cả đại diện Bộ GD-ĐT cùng chia sẻ, phân tích những “rào cản” cản trở việc tự chủ cho giáo dục đại học. Rất nhiều những nguyên nhân kìm hãm thực thi tự chủ đại học, đó là các chính sách pháp luật chưa đủ mở để tạo hành lang pháp lý cho việc thực thi tự chủ.

Phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự

Các đại biểu đặt thẳng vắn đề với Bộ GD-ĐT: Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Quyền của hội đồng trường đã được luật định rất rõ nhưng đã có bộ chủ quản ban hành văn bản trái với quy định của luật. Các cơ quan chủ quản hiện nay triệt tiêu quyền của hội đồng trường trong việc bầu, bổ nhiệm nhân sự...

Tự chủ đại học dễ hay khó? ảnh 1 TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) phát biểu

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), theo quy định hiện nay thì nhiệm kỳ của hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường. Vì vậy không có quy định nhiệm kỳ hiệu trưởng là 1 năm, 2 năm hay 5 năm và hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Theo tôi biết một trong những điều chúng ta đang mắc là về vấn đề nhân sự. Thông tin thêm về việc này, TS Phụng chia sẻ, theo quy định, thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, các chức danh quản lý khác của trường trong quy trình bổ nhiệm nhân sự. Điều này nói rõ rằng mặc dù hội đồng trường quyết định chức danh hiệu trưởng nhưng vẫn phải trong quy trình bổ nhiệm nhân sự mà quy trình này có thể có sự chi phối của các tổ chức Đảng, các quy định công chức, viên chức. Do vậy, quy trình quyết định hiệu trưởng hay nhân sự khác còn bị chi phối bởi một số cơ quan có thẩm quyền (cơ quan chủ quản) chứ không phải độc lập của hội đồng trường. Điều này đã được Quốc hội ban hành nên chúng ta phải tuân thủ.

Về vấn đề hội đồng trường, theo TS Phụng, Bộ GD-ĐT đã có các quy định hướng dẫn các cơ sở trực thuộc bộ này quy trình hoàn toàn tự chủ. Theo đó những chức danh nào hội đồng trường có quyền quyết định thì hội đồng trường thực hiện quy hoạch. Ví dụ khi trình lên nhân sự hiệu trưởng thì bộ chỉ xem có đúng tiêu chuẩn và quy trình không, nếu đúng thì bộ không can thiệp về mặt con người, con người do các quy trình ở dưới đưa lên và bộ chỉ công nhận theo đúng luật, bà Phụng nhấn mạnh.

Các luật khác cũng phải điều chỉnh  

Từ năm 2018 Bộ GD-ĐT thí điểm chọn 3 trường (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng đề án tự chủ, không còn cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Chính phủ đã có chủ trương cho một số trường tốt được tự chủ ở mức cao hơn. Đầu tiên Bộ GD-ĐT giao cho 3 trường ĐH làm đề án nhưng nội dung trường đưa vào thì đã có trong các luật khác nhau nên không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào Nghị quyết 39/2019 của Chính phủ. Theo nghị quyết này thì 3 trường này có mức tự chủ cao hơn trong đó có sử dụng nhân lực nước ngoài và độ tuổi của người quản lý.

Tự chủ đại học dễ hay khó? ảnh 2 TS Trần Đức Cảnh, Thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực (2016-2021)  trình bày tham luận tại hội thảo
Trước những kiến nghị của các chuyên gia, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng: Tự chủ đại học là tất yếu để giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc thực hiện tự chủ hiện nay cũng còn rất nhiều vấn đề. Hàng loạt các luật khác cũng phải điều chỉnh, chỉnh sửa để cho phù hợp với việc thực hiện tự chủ như Luật Giáo dục Đại học đã quy định. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, việc tiếp theo phải làm là khi sửa các luật khác như luật công chức viên chức thì cần tiếp nối tinh thần của luật giáo dục là có cơ chế tự chủ cho các trường công mà cơ quan chủ quản không chi phối hoặc không chi phối nhiều ảnh hưởng đến cơ chế tự chủ của các trường.

Tự chủ mới phát triển mạnh

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học và tự do học thuật, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, đó là những con người tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng. Tự chủ là biểu hiện của sự trưởng thành. Đại học là đào tạo bước tiếp theo đối với những con người đã bắt đầu trưởng thành, đã biết “tự mình”. Nhà trường không thể tạo ra những con người tự chủ khi bản thân nhà trường không được tự chủ trong công việc. Cơ sở đào tạo ở đây là một trung tâm trí thức bậc cao. Tại đó có một tập thể thầy giáo và các nhà khoa học. Lao động của họ là lao động sáng tạo, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Nếu họ không được tự chủ còn cơ quan áp đặt cho họ lại không có trình độ chuyên môn bằng họ thì làm hỏng việc và hạn chế năng lực sáng tạo của cơ sở.

Tự chủ đại học dễ hay khó? ảnh 3 Ban chủ tọa hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi
Những người thầy ở đây tham gia trực tiếp tạo ra sản phẩm là con người, mà phải là con người tự chủ và sáng tạo, vậy mà người thầy lại không được chủ động và sáng tạo thì làm sao tạo được sản phẩm tốt. Nếu không được tự chủ thì áp đặt cho cơ sở đào tạo sẽ là ai? Một cơ quan không phải sự nghiệp giáo dục mà là hành chánh. Hành chánh tuy cũng rất quan trọng nhưng sẽ tạo ra thứ khác chứ không phải làm chức năng của giáo dục đào tạo. Không tự chủ thì đó là hệ thống đại học chưa trưởng thành, là cấp 4, thực chất chưa phải là đại học và do vậy trong cộng đồng xã hội cũng sẽ không có sản phẩm ra trường xứng đáng trình độ đại học về thực chất, TS Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ:  Những kết quả mà trường đạt được như hiện nay chính là nhờ nhà trường quyết liệt thực hiện quyền tự chủ. Tuy nhiên, để tự chủ đại học thật sự “khơi thông” thì hệ thống pháp luật (các luật khác của các bộ, ngành) phải thay đổi thì mới có cơ sở để thực thi tự chủ. Còn như hiện nay, việc tự chủ kiểu thí điểm, chỗ cho tự chủ chỗ không cho, các trường thật sự nguy hiểm đó là họ có thể quy kết vi phạm luật này, luật kia. Bên cạnh đó, có nhiều thuật ngữ như cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý có thẩm quyền, cơ quan quản lý trực tiếp phải giải thích cho rõ ràng trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sử đổi, bổ sung chứ như hiện nay các trường tù mù quá. 

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Các quy định và tồn tại sự can thiệp quá nhiều của cơ quan chủ quản vào trường ĐH đã triệt tiêu quyền của hội đồng trường. Mà quyền của hội đồng trường đã được luật quy định rất rõ. Nếu không gỡ được sự mâu thuẫn này thì việc thực thi vấn đề tự chủ rất khó. 

Tin cùng chuyên mục