Truyền cảm hứng cho quản trị chuyển đổi

Những năm gần đây, phát triển bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu. Khái niệm này không chỉ đưa ra các vấn đề liên quan đến môi trường, mà còn bao hàm 3 lĩnh vực quan trọng: Môi trường (Environmental - E), Xã hội (Social - S) và Quản trị (Governance - G), hay được gọi tắt là ESG.
Rừng rậm Amazon bị tàn phá, Brazil, ngày 18-5-2005. Ảnh minh họa: REUTERS
Rừng rậm Amazon bị tàn phá, Brazil, ngày 18-5-2005. Ảnh minh họa: REUTERS

Tuy nhiên, thời gian qua, sự quan tâm này dường như chỉ nghiêng về các vấn đề môi trường như việc giảm thiểu khí thải hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, hay các vấn đề xã hội như sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường làm việc tốt cho người lao động…

Trong khi các vấn đề liên quan đến quản trị hầu như ít được nhắc tới, dù thực tế rất quan trọng để các danh nghiệp có thể sử dụng và tạo tác động tích cực cho thị trường và xã hội.

Vì lẽ đó, Hiệp ước Toàn cầu của LHQ, vừa ra mắt công cụ “Khung Kinh doanh SDG 16: Quản trị chuyển đổi truyền cảm hứng” để thúc đẩy hành động của yếu tố G trong khung ESG, nhằm tăng cường văn hóa kinh doanh, đạo đức, cung cấp quyền tiếp cận công lý cho mọi người, có trách nhiệm và bao trùm, hỗ trợ các thể chế, luật pháp và hệ thống công hiệu quả hơn.

Công cụ này sẽ được đưa ra thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hiệp ước toàn cầu của LHQ vào ngày 16-6 trong phiên họp “Con đường để chuyển đổi quản trị”.

SDG 16 (Sustainable Development Goals 16) là Mục tiêu Phát triển bền vững 16, hay còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu được LHQ thông qua năm 2018 nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ.

Ông Sanda Ojiambo, Giám đốc Điều hành Hiệp ước Toàn cầu của LHQ, cho biết: “Với sự chồng chéo và cấp bách ngày càng tăng về các vấn đề ESG, quản trị chuyển đổi là một lăng kính mà qua đó các doanh nghiệp có thể mở rộng hiểu biết của họ về “G” trong ESG. Khuôn khổ này hướng dẫn các doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi quản trị, trở thành những người ủng hộ các nguyên tắc hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ.”

Đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế, bất bình đẳng xã hội và thông tin sai lệch đã cho thấy rằng các doanh nghiệp không thể hoạt động độc lập trong một xã hội rộng lớn. Các doanh nghiệp có thể và phải đóng vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự lãnh đạo có đạo đức, xây dựng lòng tin, sự minh bạch giữa các tổ chức công - tư.

Tin cùng chuyên mục