Truy thu hơn 658 tỷ đồng tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia: Nguyên Giám đốc Cấn Văn Nghĩa nói gì?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây xác định Khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) giai đoạn 2009-2018 vi phạm với tổng số tiền gần 658 tỷ đồng, trong đó hơn 658 tỷ đồng là tiền cho thuê đất và hiện không có khả năng để thu hồi. 

Liên quan đến kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTTQG trong giai đoạn 2009-2018, TTCP xác định có nhiều vi phạm, đồng thời kiến nghị Khu LHTTQG có trách nhiệm làm việc với các doanh nghiệp thuê đất để truy thu hơn 658 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền chậm nộp thuê đất đối với các khu đất đã giải phóng mặt bằng, chờ thực hiện dự án. 

Truy thu hơn 658 tỷ đồng tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia: Nguyên Giám đốc Cấn Văn Nghĩa nói gì? ảnh 1 Sân vận động Mỹ Đình nằm trong Khu Liên hợp thể thao quốc gia

Thời gian trên, ông Cấn Văn Nghĩa (đã nghỉ hưu từ tháng 9-2018) là Giám đốc Khu LHTTQG. Trong kiến nghị xử lý về kinh tế, TTCP đề nghị thu hồi số tiền 3,7 tỷ đồng từ các cá nhân, đơn vị gồm: nguyên giám đốc, nguyên phó giám đốc phụ trách, trưởng phòng kế hoạch kinh doanh, Công đoàn Khu LHTTQG, Phòng Quản lý Cung thể thao dưới nước.

Về trách nhiệm cá nhân, ông Cấn Văn Nghĩa cho rằng, xét bối cảnh và toàn diện vấn đề, cá nhân ông thấy việc mình làm hoàn toàn không sai. 

Trao đổi với phóng viên, ông Cấn Văn Nghĩa, nguyên Giám đốc Khu LHTTQG (giai đoạn 2010-2018) cho rằng, thời điểm ông về nhận nhiệm vụ tại Khu LHTTQG, do đang chờ thực hiện dự án nên các khu đất mới chỉ san lấp mặt bằng, gần khu dân cư, do chưa thực hiện dự án nên đất đai bị hoang hóa dẫn đến các tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường và bị tái lấn chiếm. 

Để “giữ” đất, chống hoang hóa, chống tệ nạn xã hội, đồng thời để có tiền duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nên Khu LHTTQG đã báo cáo Bộ VH-TT-DL cho san lấp và cho các đơn vị thuê tạm 3, 6 tháng, khi nào nhà nước cần thực hiện các dự án thì các đơn vị thuê hoàn trả mặt bằng sạch trong 30 ngày. 

“Tôi giữ gìn đất cho nhà nước, nhẽ ra tôi phải được khen, nhưng với kết luận mà TTCP nêu, tôi không hiểu được, số tiền truy thu thuê đất lên tới hơn 658 tỷ đồng ở đâu ra?”, ông Nghĩa cho biết và nói thêm, Khu LHTTQG có quy chế và Bộ VH-TT-DL là đơn vị duyệt quy chế, đồng thời, với chức năng là đơn vị sự nghiệp, tự chủ về tài chính nên sẽ làm trong phạm vi cho phép. 

Ông Nghĩa cũng cho rằng: “trong Luật Đất đai quy định những diện tích cho thuê 3, 6 tháng và đất đang chờ dự án không thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất”.

Được biết, trước khi TTCP ban hành kết luận thanh tra toàn diện Khu LHTTQG, một số bộ, ngành đã có ý kiến đề nghị TTCP xem xét “đối tượng” phải nộp tiền thuê đất. Bộ Tài chính có văn bản nêu ra tại Thông tư 245 năm 2009 của Bộ Tài chính về Quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cho rằng, đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính chỉ được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất để sản xuất kinh doanh mới phải nộp tiền thuê đất. 

Trong khi đó, tại các văn bản của Bộ VH-TT-DL gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành vào thời gian tháng 12-2020 và 3-2021 đều khẳng định: “Các khu đất đã đền bù giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án mới chỉ san lấp mặt bằng, chưa có tài sản đầu tư trên đất. Từ năm 2010 trở lại đây, để chuẩn bị cho dự án phục vụ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (Asiad 18), các khu đất vẫn luôn trong tình trạng chờ triển khai đầu tư…”.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng cho rằng, Khu LHTTQG cho thuê mặt bằng là vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt hành chính (phạt tiền), vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục, thu hồi toàn bộ lợi ích có được do vi phạm và hoàn trả mặt bằng như ban đầu. 

Ông Vũ Xuân Thành, nguyên Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng, nếu đưa ra hướng giải quyết để khắc phục vi phạm mà Khu LHTTQG thời gian qua, phải thu hồi toàn bộ số tiền mà đơn vị cho thuê đã thu để nộp về ngân sách nhà nước, nhưng không thu tiền thuê đất. Số tiền này, theo kết luận thanh tra là hơn 162 tỷ đồng, trong đó đã nộp thuế gần 68 tỷ đồng, số còn lại Khu LHTTQG đã quyết toán vào doanh thu, chi phí. Cũng theo ông Thành, để sự việc xảy ra trong nhiều năm, cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan thuế nắm địa bàn. 

Theo Cục thuế TP Hà Nội, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đất đai chấp thuận, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kê khai và nộp nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, Khu LHTTQG đã không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, trước những ý kiến còn khác nhau về việc xác định đối tượng nộp tiền thuê đất, hiện nay TTCP đã chuyển thông tin (tài liệu hồ sơ, chứng cứ) tới một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an về các nội dung: Khu LHTTQG cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng chờ thực hiện dự án vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, chưa nộp tiền thuê đất...; Khu LHTTQG sử dụng đất thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trạm phân phối gas với Công ty TNHH Tân An Bình trong khuôn viên Cung thể thao dưới nước vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước. 

Tin cùng chuyên mục