Truy điểm nghẽn để giải quyết nhanh hồ sơ cho dân

“Mới đây, sau khi giải quyết yêu cầu của người dân, họ đã cảm ơn. Tuy nhiên, tôi phải xin lỗi vì trong trường hợp này, quận đã chậm trễ, gây phiền hà cho người dân”, đồng chí Trần Văn Bảy, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 9 (TPHCM), chia sẻ với phóng viên.

Trong trường hợp này, một người dân ở quận đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (đất đã có sổ đỏ). Do căn nhà xây dựng không có giấy phép nên cán bộ thụ lý hồ sơ “ngần ngại” giải quyết, dù người dân chạy tới, chạy lui nhiều lần. Sau đó, đích thân Chủ tịch UBND quận kiểm tra (có kiểm tra thực địa) thì xác định căn nhà này được xây dựng từ rất lâu, đủ điều kiện để cấp giấy nên đã quyết định như trên. Cũng nhận thấy việc ngần ngừ giải quyết yêu cầu của người dân là lỗi từ phía chính quyền nên Chủ tịch UBND quận 9 đã xin lỗi người dân, thay vì nhận lời cảm ơn.

Thông tin thêm về tình hình thực tế, đồng chí Trần Văn Bảy cho biết, quận 9 có diện tích đất rộng nhất trong số các quận (chỉ thua các huyện) nên công tác quản lý gặp nhiều thách thức, đặc biệt là công tác quản lý đất đai, xây dựng. Do đó, Quận ủy quận 9 rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, tập trung vào 2 lĩnh vực đã nêu. Quận không được đặt thêm hay bớt thủ tục hành chính, nên tập trung tìm cách tổ chức thực hiện thủ tục sao cho người dân bớt phiền hà và hạn chế, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực từ cán bộ, công chức, viên chức.

Dẫn chứng về việc quận thí điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại phường, đồng chí Trần Văn Bảy thông tin, dù đã thực hiện cấp giấy đại trà nhưng ở quận vẫn còn nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Những trường hợp này đều là “ca khó” với việc chứng minh nguồn gốc, quá trình sử dụng rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Người dân rất phiền hà về việc này. Đồng thời, tiêu cực cũng từ đây mà ra. Do đó, quận quyết định thí điểm tiếp nhận hồ sơ tại phường để tiết kiệm thời gian cho người dân. Bởi đằng nào khi giải quyết các trường hợp này cũng thực hiện xác minh tại phường, nên phường tiếp nhận hồ sơ và tiến hành xác minh sẽ giúp người dân không phải mất thời gian gõ cửa nhiều nơi.

Qua một thời gian thực hiện, việc thí điểm đem lại sự hài lòng nhất định cho người dân. Tuy nhiên, đồng chí Trần Văn Bảy nhận xét, công tác quản lý về đất đai ở quận vẫn còn nhiều phức tạp và tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cũng tập trung nhiều ở lĩnh vực này. Vậy nhưng, các phòng - ban của quận báo cáo con số khá đẹp, chỉ 7% - 8% hồ sơ trễ hẹn.

“Vì sao con số báo cáo rất đẹp nhưng đơn thư phản ánh của dân về vấn đề này vẫn rất nhiều”, đồng chí Trần Văn Bảy nêu thắc mắc.

Nhận thấy có điểm không ổn và không chấp nhận báo cáo một cách chung chung “về cơ bản giải quyết đúng hạn” cũng như không nêu cụ thể trách nhiệm, quận quyết định rút 70 hồ sơ có dấu hiệu chậm trễ để “soi” điểm nghẽn ở đâu.

Yêu cầu đặt ra là phải xác định cụ thể, chi tiết từng hồ sơ và làm rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân. Cụ thể, ở UBND phường thì trách nhiệm thuộc cán bộ nào; ở Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận là những cán bộ, công chức nào. Kể cả ở Thường trực UBND quận, trách nhiệm gây chậm trễ thuộc về chủ tịch hay phó chủ tịch UBND quận. Từng hồ sơ phải ghi rõ trách nhiệm, để từng cá nhân liên quan thấy được trách nhiệm của mình một cách cụ thể, chi tiết hơn.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đánh giá, cách làm trên của quận 9 cùng với việc công khai, minh bạch trong giải quyết hồ sơ đã góp phần khắc phục sự chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ của người dân; làm rõ trách nhiệm từng cá nhân liên quan và ngăn chặn, hạn chế được sự nhũng nhiễu, tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục