Truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự vụ Đồng Tâm?

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã chia sẻ quan điểm của ông với SGGP online về quyết định  của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
19 cán bộ, chiến sĩ được thả sau cuộc đối thoại
19 cán bộ, chiến sĩ được thả sau cuộc đối thoại

Là một trong những người theo dõi sát sao vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã chia sẻ quan điểm của ông với phóng viên báo SGGP về quyết định  của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để điều tra về 2 tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo điều 123 Bộ luật Hình sự và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo điều 143 Bộ luật Hình sự.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, xin hỏi rất thẳng thắn là liệu quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội có đồng nghĩa với việc cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã không được thực hiện?

- ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Đó là một vụ việc đã xảy ra, ai cũng biết và tôi nhớ câu đầu tiên trong tâm thư của bà con Đồng Tâm cũng là nhận lỗi đã làm sai, mong muốn không truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây khởi tố để điều tra là cần thiết, có điều tra thì mới đánh giá được toàn diện vụ việc, không chỉ là hành vi của người dân mà cả của cơ quan công quyền, cả cái gốc của vấn đề là quản lý đất đai nữa. Sự việc đã xảy ra rồi, không thể bỏ qua được, nhưng mà lỗi đến mức độ nào là công việc mà cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ. Ngay khi có quyết định này, hôm qua người dân cũng đã điện thoại cho tôi, tôi nói trước hết phải bình tĩnh, phải hợp tác tốt với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vấn đề. Đương nhiên trong quá trình xử lý vụ việc thì yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng, nên cơ quan chức trách bên cạnh việc công tâm khách quan điều tra thì cũng phải tính đến yếu tố tâm lý.

Tôi xin nhắc lại là không chỉ điều tra hành vi về phía bà con mà còn những yếu tố khác nữa, kể cả việc đối xử với cụ Kình, khiến người dân bức xúc, đều phải làm rõ.

PV: Thưa ông, thời gian thanh tra 45 ngày, đến nay đã quá hạn, nhưng chưa có kết luận?

- Ý chí, mong muốn của chúng ta là làm trong 45 ngày, nhưng thực tế có thể chưa xong. Nhưng tôi đồng ý là nên thông báo rõ cho bà con vì sao chưa có kết quả, chứ không nên để bà con chờ đợi trong sự im lặng, như thế rất dễ nảy sinh suy nghĩ bất lợi, vì lo lắng của bà con là có lý do.

PV: Ông có nghĩ rằng khi ông Nguyễn Đức Chung viết cam kết như vậy thì cả hai bên đều hiểu rất rõ nội dung của cam kết hay không?

- Là người có mặt ở đó, tôi hiểu rằng đấy là giải pháp tình huống, nói theo cách nói đơn giản là “tháo ngòi nổ”, làm sự việc dịu đi. Về mặt lý mà nói thì anh Chung là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nhưng mà phải làm vậy để tạo ra được không khí (hòa giải – PV). Thế nên phải điều tra cho tốt để khẳng định được là bà con nếu có sai cũng có lý do khách quan. Sau đó  xử lý thế nào thì phải cân nhắc. Truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự là khâu sau, không phải khâu này. Kể cả lời hứa thì Nhà nước cũng sẽ phải xem xét về mặt tinh thần để vận dụng cho tốt, giải quyết toàn diện để người dân cảm thấy yên lòng, kể cả nếu họ có sai phải xử lý thì người ta cũng thấy tâm phục khẩu phục.   

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục