Trường THPT ngoài công lập: Nỗ lực tìm chỗ đứng

Năm nay, TPHCM sẽ có khoảng 13.000 trong tổng số hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi không trúng tuyển lớp 10 công lập. Trước tình hình đó, hệ thống các trường ngoài công lập đã có nhiều hình thức quảng bá để “chiêu dụ” thí sinh. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh liệu có như mong đợi?

“Tung chiêu” thu hút học sinh

Là một trong những đơn vị tư thục có tuổi đời hoạt động còn non trẻ, năm học 2019-2020, Trường TH-THCS-THPT Vạn Hạnh (quận 10) áp dụng chính sách giảm 100% học phí cho tất cả học sinh giỏi cấp thành phố. Bên cạnh đó, trường cũng giảm 50% học phí cho con cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại trường và giảm 10% học phí cho học sinh đã có anh, chị ruột học cùng trường.

Riêng với đối tượng con thương binh, liệt sĩ sẽ được hưởng mức ưu đãi 5% học phí. Ngoài ra, tất cả học sinh khi đăng ký nhập học sẽ nhận được phần quà là một ba lô xinh xắn.

Tương tự, Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Tân Phú) cũng áp dụng chính sách giảm 30% học phí cho đối tượng học sinh giỏi và 20% học phí cho học sinh học lực năm lớp 9 xếp loại khá. Ngoài ra, học sinh có anh, chị ruột học cùng trường sẽ được giảm 50% học phí cả năm học.

Đặc biệt, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (quận Gò Vấp) không chỉ có các gói ưu đãi học phí dành cho đối tượng học sinh giỏi, học sinh có anh/chị/em ruột học cùng trường, con thương binh, liệt sĩ mà còn giảm học phí cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú tại địa bàn phường trường trú đóng. Ngoài ra, đơn vị này cũng áp dụng nhiều mức chiết khấu học phí khác nhau khi học sinh đóng học phí liên tục trong 3 tháng, 6 tháng và cả năm học.

Tại Trường THPT Đăng Khoa (quận 1), tất cả học sinh có điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM đạt bình quân 3 môn thi từ 6.0 điểm trở lên, hoặc học sinh các tỉnh đạt danh hiệu học sinh giỏi 4 năm liền, đều được giảm 50% học phí học kỳ 1 năm lớp 10. Ngoài ra, học sinh có giấy xác nhận hộ nghèo và học sinh là con cán bộ chiến sĩ đang công tác tại biển đảo cũng được xem xét giảm học phí.

Một hình thức hấp dẫn khác đang được Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) áp dụng trong năm học này là khi đăng ký nhập học, học sinh có nguyện vọng du học Nhật Bản sẽ được nhà trường hướng dẫn, tạo điều kiện học tiếng Nhật tại Việt Nam đến khi đủ điều kiện theo học tại các trường trung học có liên kết ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, học sinh còn được giáo viên hỗ trợ tìm hiểu cuộc sống, văn hóa Nhật Bản để nhanh chóng hòa nhập cuộc sống tại đất nước mặt trời mọc.

Chật vật giữ học sinh

Thành viên ban quản trị một trường THPT tư thục ở quận 10 cho biết, sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, các trường tiếp tục chạy đua bài toán giữ chân người học. Nguyên nhân là do số lượng học sinh thường “trồi”, “sụt” không ổn định trong suốt năm học. “Nhiều trường hợp học sinh chỉ đăng ký cho có chỗ học sau khi rớt nguyện vọng lớp 10 công lập, nhưng học được 1-2 tháng rồi bỏ do có hình thức học tập khác hoặc rẽ hướng qua học nghề”, vị này bày tỏ.

Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 vừa qua, không ít phụ huynh đã phàn nàn vì phải trở thành “khách hàng bất đắc dĩ” cho các trường THPT tư thục khai thác và quảng bá hình ảnh trước cổng trường.

Anh Nguyễn Nam, phụ huynh có con thi tại điểm Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp) than thở: “Trong vòng chưa đầy 15 phút đậu xe chờ con trước cổng trường, tôi đã nhận được vô số tờ rơi giới thiệu về chương trình học, ưu đãi học phí và nhiều vật phẩm đi kèm nhằm quảng bá hình ảnh của các trường tư thục như tập trắng, quạt giấy, bút bi… Đưa con đi thi với mong muốn tìm suất học ở trường công, không phụ huynh nào có tâm trạng nghe giới thiệu về trường tư nhưng cứ liên tục bị làm phiền”.

Trường THPT ngoài công lập: Nỗ lực tìm chỗ đứng ảnh 1 Trường THCS-THPT Nam Việt (quận 12) vừa bị đình chỉ hoạt động do tranh chấp về đất đai
Hiện nay, các trường tư thục đang mở rộng thị trường, chuyển hướng quảng bá hình ảnh để thu hút học sinh ở các tỉnh, thành phố lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long… Cán bộ phụ trách tuyển sinh một trường THCS-THPT ở quận Gò Vấp chia sẻ, 5 năm trở về trước, các trường THPT tư thục chủ yếu đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh tại TPHCM thông qua nhiều hình thức như tư vấn hướng nghiệp, tài trợ học bổng, tổ chức hội thảo, tham quan, tìm hiểu trường.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, song song với công tác phân luồng ngày càng đẩy mạnh ở các trường THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 rẽ hướng qua học nghề tăng, cùng với việc phát triển của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp khiến trường tư thục trở nên chật vật trong công tác tuyển sinh. Thực tế đó làm nảy sinh nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị khiến bài toán tuyển sinh “khó lại càng khó”.

Để khắc phục tình trạng đó, đại diện các trường tư thục kiến nghị TP có thêm nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn đầu tư, nới rộng quy định về diện tích, mặt bằng cũng như đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục trong cấp phép thành lập, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục