Trưởng thành từ đại dịch

Được xem là một trong hai mũi giáp công quan trọng của TPHCM trong phòng chống đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hệ thống y tế cơ sở đã hoàn thành vai trò “người gác cổng”. Nhưng ít ai biết, đội ngũ y tế cơ sở đã trải qua khoảng thời gian chưa từng có với cường độ làm việc cao. Họ vẫn mỗi ngày bám trụ tuyến đầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tháng ngày “chưa từng có”

“Bác sĩ ơi, gia đình tôi có 2 người xét nghiệm nhanh dương tính rồi, giờ chúng tôi phải làm sao?”, “Bác sĩ ơi, mẹ tôi cách ly tại nhà bắt đầu thấy khó thở rồi”, “Tôi muốn đăng ký tiêm vaccine phải làm sao?”…, vừa hoàn thiện hồ sơ cho các F0 trên địa bàn, bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM), phải liên tục trả lời câu hỏi của người dân.

Phụ trách địa bàn khoảng 170.000 dân, nhưng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A chỉ có 10 nhân viên y tế. Lúc cao điểm, trạm tiếp nhận đến 300 ca F0. Đầu tháng 12-2021, dù đỉnh dịch Covid-19 đã qua nhưng nơi đây vẫn phải quản lý hơn 1.500 ca F0 tại nhà. Hơn 6 tháng qua, 10 nhân viên y tế của trạm làm ngày làm đêm, “quên” cả đường về nhà.

“Người có con nhỏ thì gửi con cho ông bà, người có cha mẹ già thì gửi gắm bà con lối xóm, chúng tôi lấy trạm y tế làm nhà, cùng sinh hoạt tại chỗ để phòng bệnh; coi như chưa được nghỉ ngơi ngày nào”, bác sĩ Phan Thanh Tùng chia sẻ.

Phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, địa bàn giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, là nơi có 2 khu chế xuất Bình Chiểu, Linh Trung 2 và cạnh chợ đầu mối Thủ Đức, có khoảng 80.000 dân, trong đó có đến 2/3 người dân tạm trú trong các khu trọ lụp xụp. Trong đợt dịch lần thứ 4, phường có đến 7.509 ca F0, trung bình mỗi ngày có 100 ca F0 mới.

“Chúng tôi làm việc gần như thâu đêm, đường dây nóng reng liên hồi, trong khi thiếu trang thiết bị, đồ phòng dịch và xe cấp cứu, thuốc phải vận động thêm từ nhà hảo tâm. Chúng tôi mượn cả ô tô của người quen để vận chuyển bệnh nhân, đi khám bệnh cho các F0”, bác sĩ Lê Bá Kông, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bình Chiểu, không quên những ngày tháng áp lực đó.  

“Một đời không quên” là ký ức của nhân viên y tế tuyến cơ sở khi nói về thời gian cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Bác sĩ Nguyễn Văn Mót, Trạm Y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12, nhớ lại, anh và đồng nghiệp không có khái niệm nghỉ, không biết ngày cuối tuần. Một vài nhân viên phơi nhiễm trong quá trình làm việc nhưng tải lượng virus thấp, nên vẫn phải đi làm bởi không còn ai thay thế.

Bác sĩ Bùi Văn Tuấn, Trạm Y tế phường 5, quận 8, tâm sự, khoảng thời gian đó như “trăm dâu đổ đầu nhân viên y tế”, khi không đủ xe chuyển F0 nặng, bệnh viện quá tải, do đó tất cả sự bực tức của người dân đều trút lên đầu nhân viên trạm.

Nhân lực có hạn, số lượng F0 ngày một gia tăng, trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đẫm mồ hồi, hàng ngàn nhân viên y tế cơ sở làm việc bất kể ngày đêm trong những tháng ngày “dông bão” của dịch bệnh. Dù điều kiện làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm, trong khi chế độ đãi ngộ chưa cao, nhưng họ vẫn duy trì trận tuyến, chăm sóc hơn 80% số ca F0 tại nhà trong thời gian qua. 

Trưởng thành từ đại dịch ảnh 1 Y sĩ Vũ Tiền Giang (bìa trái) cùng đồng nghiệp trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Hoàn thành nhiệm vụ tuyến đầu

Hơn nửa năm ròng rã chống dịch là khoảng thời gian vất vả nhất trong đời hành nghề y của bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Phúc và nhân viên Trạm Y tế phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Giai đoạn đó, 10 nhân viên của trạm căng mình làm việc xuyên ngày đêm, liên tục đi cấp cứu F0 tại nhà, chuyển người bệnh trở nặng đến tuyến trên. Đường dây nóng của trạm luôn quá tải. Đổi lại sự vất vả đó, anh em thấy mình ngày càng trưởng thành, dày dặn kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy trình tiếp nhận, điều trị F0 nhanh chóng, hiệu quả.

Hàng ngày, anh em đến tận nhà khám, cấp phát và hướng dẫn sử dụng các túi thuốc tùy theo tình trạng của người bệnh. Đồng thời thường xuyên lấy 400-500 mẫu xét nghiệm đầu vào, đầu ra ở các khu cách ly tập trung; thẩm định điều kiện cách ly tại nhà của F0; tham gia tiêm vaccine cho người dân; nhập liệu thông tin F0, người tiêm vaccine lên hệ thống; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người dân… Ai vào việc nấy, trơn tru. 

Ở Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh, sau khi lực lượng hỗ trợ rút lui, 5 nhân viên phải đảm nhiệm tất cả công việc, từ lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu, trả lời điện thoại, chăm sóc F0, tiêm vaccine trên địa bàn.

Trạm trưởng Trạm Y tế phường 22 Ngô Thị Minh Thu chia sẻ, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhờ lực lượng hỗ trợ nên phường lập được 5 trạm y tế lưu động phân chia phụ trách theo khu phố, rất hiệu quả. F0 cách ly tại nhà được điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, thăm khám trực tiếp, mọi việc xử trí rất nhanh. Khi không còn lực lượng hỗ trợ, chỉ còn nhân viên trạm, dù công việc rất nhiều nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, với việc đảm nhận nhiệm vụ tầng 1 trong hệ thống điều trị Covid-19, các trạm y tế có vai trò vô cùng quan trọng. Họ là tuyến y tế gần nhất với người dân nên luôn gánh những áp lực đầu tiên của tuyến đầu, nhất là phát hiện sớm và chăm sóc F0.

Nỗi niềm “người gác cổng”

Gắn bó với trạm y tế 20 năm qua nhưng lương của bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh, chưa đến 6 triệu đồng/tháng, còn các nhân viên khác khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Với chế độ như thế, những anh em còn bám trụ đều vì cái tâm với nghề. 

Hàng ngày chạy xe máy từ tỉnh Tiền Giang lên quận 1, TPHCM để làm việc là tình cảnh của y sĩ Vũ Tiền Giang, nhân viên Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Với mức lương chưa tới 5 triệu đồng/tháng, không đủ thuê trọ và trang trải chi phí sinh hoạt, anh Giang buộc phải đi - về mỗi ngày. 

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, anh Giang gần như túc trực ở trạm. May có vợ cáng đáng mọi thứ trong nhà nên anh còn gắn bó với nghề. 

Tin cùng chuyên mục