Trường Sơn, điều còn lại

Có hàng triệu lượt người đã vượt Trường Sơn, nhưng không phải ai cũng may mắn sau những tháng ngày chiến đấu khốc liệt, được trở về con đường huyền thoại tìm lại dấu chân mình. Tôi là một trong những người may mắn như thế.

Cách đây đúng 10 năm, khi cả nước hướng về Trường Sơn kỷ niệm nửa thế kỷ mở con đường chiến lược mang tên người con ưu tú, vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi có dịp trở lại Trường Sơn.

Khi “mục sở thị” đất và người nơi đây, chúng tôi mới ngộ rằng, viết bài về Trường Sơn chưa đủ, mà phải làm việc gì đó cho Trường Sơn để tri ân những người nằm xuống; để sẻ chia với người đang sống và trao gửi thông điệp với thế hệ tương lai.

Dấu ấn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn

Trưởng ban Chính trị - Xây dựng Đảng của báo SGGP, nhà báo Nguyễn Đức lúc ấy là một cựu chiến binh (CCB). Cũng như bao đồng đội, cách đây gần nửa thế kỷ, Nguyễn Đức đã vượt Trường Sơn vào Nam.

Trở lại dấu chân mình, trực tiếp chứng kiến đời sống khó khăn của bà con các dân tộc dọc đường Trường Sơn và sự lãng quên, xuống cấp của các khu di tích - vùng căn cứ kháng chiến cũ, anh đề xuất mở cuộc vận động hướng về Trường Sơn. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã ra đời như thế. Tổng Biên tập và một số lãnh đạo báo SGGP lúc ấy cũng là lính đã từng vượt Trường Sơn, dễ dàng thống nhất. 

Cuộc vận động không chỉ trong phạm vi TPHCM mà lan khắp cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Hợp lòng dân, cuộc vận động đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Từ các CCB, cựu Thanh niên xung phong (TNXP), những người dân bình thường đến các tướng lĩnh, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã đồng hành mạnh mẽ cùng ban tổ chức.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, lúc ấy là Chủ tịch nước đã trực tiếp viết thư gửi đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt các doanh nghiệp, doanh nhân kêu gọi chung tay góp công, góp của chia sẻ với đồng bào và các CCB, cựu TNXP Trường Sơn.

Chỉ trong vòng 3 năm (2009-2011), ban tổ chức đã nhận được gần 150 tỷ đồng và nhiều hiện vật quý để chia sẻ, tri ân những người có công với đất nước; đặc biệt những người đã hy sinh, cống hiến cho con đường Trường Sơn huyền thoại.

Để nguồn tài trợ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xây dựng nhiều công trình tình nghĩa, chia sẻ với hàng ngàn gia đình CCB, cựu TNXP và đồng bào ta đã hy sinh tính mạng, cống hiến vật chất cho sự tồn tại và phát triển của con đường huyền thoại này.

Một thập kỷ đã trôi qua, mới đây tôi có dịp thăm lại một số công trình tình nghĩa mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã thực hiện. Tại bản Làng Ho (Quảng Bình) trạm đầu đường Trường Sơn, hơn 30 ngôi nhà sàn mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây dựng lại cho bà con, nay vẫn khang trang, bền vững. Trạm xá quân dân y, nhà văn hóa, khu dân cư rực rỡ ánh điện, rộn rã tiếng cười trẻ thơ. 

Trường Sơn, điều còn lại ảnh 1 Tác giả (bìa trái) tham gia cắt băng khánh thành công trình Trạm quân dân y Bù Gia Mập do chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tặng tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước ngày 20-8-2011. Ảnh: VIỆT NGA

Tại đền thờ liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại xưa, chúng tôi gặp dòng du khách từ khắp nơi đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Trường Sơn và thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình của một vùng chiến trường trọng điểm năm xưa.

Vị quản đền cho biết, bình quân mỗi năm có hàng vạn lượt người đến viếng đền. Không chỉ có đồng bào trong nước mà còn có cả bà con ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cùng bạn bè quốc tế.

Trên 1.500 nhà tình nghĩa, gần 20 bệnh xá quân dân y kết hợp, nhiều trường học, cầu cống; 5 đền thờ và tượng đài tri ân liệt sĩ cùng hàng ngàn suất học bổng dành cho con em CCB, cựu TNXP Trường Sơn... là tấm lòng của những người thực hiện chương trình đối với đất và người Trường Sơn.

Và điều còn lại

Đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn (19-5-2019), tôi có dịp gặp gỡ CCB - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho con đường Trường Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là một người trong số đó. Đã trên tuổi cửu tuần, nhưng vị tướng họ Phan này vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn. Điều đặc biệt, ông vẫn minh mẫn, sáng suốt.

Nhắc đến Trường Sơn, như khơi đúng mạch nguồn cảm xúc của ông, Thiếu tướng Phan Khắc Hy nói như không muốn dứt. Đó là những ngày đầu mở đường Trường Sơn trăm bề gian khó; đó là những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tướng Võ Bẩm, Hoàng Thế Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính, Chính ủy Lê Xy... những người đã cống hiến cả đời mình cho con đường mang tên Bác.

Và, cả những người lính bình thường như chiến sĩ lái xe của ông; chính trị viên đại đội pháo cao xạ... đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ cho con đường nối liền đất nước.

Tôi nhớ lại, cách đây 10 năm, khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn khởi động, Tướng Phan Khắc Hy đã có mặt cùng chúng tôi “hành quân” suốt dọc dài Trường Sơn. Là nhân chứng lịch sử, Tướng Hy chỉ cho chúng tôi từng địa danh, gặp gỡ từng con người đã góp phần làm nên tên tuổi của con đường huyền thoại, có một không hai này.

Nhớ lại đêm trước ngày khởi công xây dựng Đền thờ Liệt sĩ bến phà Long Đại, Tướng Hy bần thần đứng giữa ngã ba sông hồi lâu. Vị tướng trưởng thành từ quê hương Quảng Bình khốc liệt và anh hùng bảo, trong phảng phất khói hương và tiếng rì rào của dòng sông, ông như thấy đồng đội Trường Sơn trở về. 

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn cũng là dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tướng Hy tràn dâng cảm xúc. Vị tướng tuổi U.100 bày tỏ niềm vui và những trăn trở về con đường huyền thoại mà ông và thế hệ của ông đã cống hiến, hy sinh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Vui vì đất nước đổi mới, hội nhập, dân ngày thêm giàu, đất nước ngày thêm mạnh. Nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Làm sao để những vùng đất một thời máu lửa, mất mát hy sinh cho sự nghiệp cách mạng được giàu mạnh như các vùng đất khác của Tổ quốc. 

Hình như Tướng Hy không muốn nói điều này. Nhưng suy nghĩ một lúc, ông bộc bạch: “Đã có nhiều hội thảo khoa học, nhiều diễn đàn bàn về sức mạnh tổng hợp dẫn đến toàn thắng của dân tộc. Nhưng người trong cuộc - những CCB, cựu TNXP Trường Sơn vẫn còn thấy thiêu thiếu điều gì; khi nói về sự đóng góp của biết bao thế hệ trên con đường chiến lược, huyết mạch này”.

Rồi vị tướng cả đời mình gắn với Trường Sơn rưng rưng: “Không biết sau này, con cháu chúng ta có biết và chia sẻ được những năm tháng gian nan Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai này không?”. Sự trăn trở của vị tướng hiến dâng cả đời mình cho quân đội, cho đất nước là hoàn toàn có cơ sở.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn và hơn thế, chúng ta nên hun thêm ngọn lửa để mọi người và đặc biệt thế hệ mai sau không bao giờ quên đất và người Trường Sơn. Đó cũng chính là nơi in đậm dấu chân thế hệ trẻ Việt Nam từ mọi miền quê ra trận; góp phần to lớn vào chiến công chung của dân tộc, để đất nước ta có được ngày hôm nay.

Chia tay tướng Hy và những CCB Trường Sơn, tôi nghĩ thế!
_______________

Trần Thế Tuyển, Đại tá, nguyên Tổng Biên tập báo SGGP; Trưởng ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn; Ủy viên danh dự BCH TƯ Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục