Trường hợp nào thì huy động lực lượng dự bị động viên?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25 dự thảo Luật) là một nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Chiều 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên (Điều 25 dự thảo Luật) là một nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có một số ý kiến đề nghị cân nhắc các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên tại dự thảo Luật. Cụ thể là chỉ quy định huy động khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ, trong chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cho phù hợp với Điều 88 và Điều 89 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chất lượng lực lượng dự bị động viên, quyền của công dân và bảo đảm tính khả thi.

Trường hợp nào thì huy động lực lượng dự bị động viên? ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt
“Đa số ý kiến cho rằng, việc huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên là để bàn giao cho đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân. Theo quy định của Luật Quốc phòng, thì Quân đội nhân dân được bổ sung lực lượng trong trường hợp có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Khi thi hành lệnh thiết quân luật thì đơn vị quân đội thực hiện việc quản lý nhà nước ở địa phương và được áp dụng biện pháp huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, ông Võ Trọng Việt lý giải.

Giới nghiêm là trường hợp có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tuy được coi là một tình huống an ninh, trật tự, an toàn xã hội thuộc chức năng giải quyết của lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quốc phòng thì Quân đội nhân dân có trách nhiệm phối hợp với Công an nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của Công an nhân dân. Thực tiễn xử lý những tình huống nêu trên cần có sự phối hợp và Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã phối hợp xử lý tốt các tình huống nêu trên.

Ngoài ra, theo Luật Quốc phòng thì phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh cũng là một trong những trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang.

Thực tế hiện nay, ở mỗi huyện có một đại đội và mỗi tỉnh có một tiểu đoàn dự bị động viên để làm nhiệm vụ khẩn cấp. Các đơn vị dự bị động viên này được huy động để phối hợp với Công an nhân dân giải quyết tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng hoặc để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Theo đó, cần quy định những trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng để tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên trong các tình huống.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị UBTVQH cho chỉnh lý lại Điều này như sau:

“Điều 25. Các trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên

1. Khi có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

2. Khi thi hành lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm.

3. Khi có tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

4. Để phòng chống, khắc phục thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm hoặc giải quyết hậu quả chiến tranh”.

Tin cùng chuyên mục