Trường học chưa thu hút công nhân

Ngoài hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân (CN), những năm gần đây, các cơ sở sản xuất, đoàn thể tại TPHCM còn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động. Hiệu quả từ các lớp đào tạo phần nào được ghi nhận, song các mô hình đào tạo hiện nay vẫn chưa thu hút được nhiều CN. 
Chương trình đào tạo ngoại ngữ nhằm giảm khoảng cách bất đồng ngôn ngữ giữa các chuyên gia người nước ngoài với công nhân
Chương trình đào tạo ngoại ngữ nhằm giảm khoảng cách bất đồng ngôn ngữ giữa các chuyên gia người nước ngoài với công nhân

Mang tri thức đến gần công nhân

Cơn mưa nặng hạt buổi chiều một ngày giữa tháng 5 cũng không làm gián đoạn buổi học của 25 học viên hệ đại học (ĐH) vừa học vừa làm  dành cho CN do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức. 

Đúng 18 giờ, anh Đào Thanh Phong, 28 tuổi, CN Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy Lợi TPHCM (huyện Củ Chi), cùng đồng nghiệp có mặt tại lớp học (ở trụ sở LĐLĐ TP), trên người còn nguyên bộ đồng phục của công ty. Quãng đường từ Củ Chi tới lớp gần 1 giờ 30 phút dường như ngắn lại bởi nó mang các anh đến gần hơn với tri thức.

Anh Phong cho biết, ngay khi công ty thông báo tuyển sinh ĐH hệ vừa học vừa làm, anh đăng ký ngay. Bởi anh nghĩ, có điều kiện thì đi học, nhất là lớp học do LĐLĐ TPHCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức, được công ty ủng hộ và tạo điều kiện thì không gì bằng. Lớp học đã qua nửa chặng đường, anh Phong chỉ nghỉ một buổi duy nhất do công việc quá gấp, không thể sắp xếp được. Còn lại, bận thế nào anh cũng tới lớp đủ 3 buổi mỗi tuần. “Hôm nào đi học thì hơn 22 giờ mới về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Mệt thì có mệt nhưng đến lúc này tôi chưa hề thấy nản”.

Chị Ngô Thị Diệp, 35 tuổi, CN Công ty TNHH Nissey của Nhật (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), là một trong những học viên lớn tuổi ở lớp. Sau gần 20 năm không đi học, dù tiếp thu kiến thức chậm hơn các học viên trẻ tuổi nhưng chị luôn cảm thấy hào hứng với từng lời giảng của giảng viên. Theo lời chị Diệp, vì đã có kinh nghiệm trong công việc nên không học lên cao cũng không sao, nhưng bản thân chị vẫn muốn học để làm việc được tốt hơn, chất lượng hơn nữa và cũng để làm gương cho các con. 

Ngoài mô hình đào tạo ĐH hệ vừa học vừa làm, từ năm 2017, CN cũng được chú trọng đào tạo miễn phí ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Hàn, Nhật; tin học và kỹ năng mềm do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN (YEAC) kết hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM tổ chức. Chương trình nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp cho CN, giảm khoảng cách bất đồng ngôn ngữ giữa các chuyên gia người nước ngoài với CN và tạo thêm cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động. Đến nay, YEAC đã mở 16 lớp ngoại ngữ, thu hút khoảng 350 CN theo học. Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị tự tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho CN ngay tại công ty, nhằm giúp người lao động thích ứng với công nghệ sản xuất mới.

Số lượng học viên còn khiêm tốn 

Sau 2 năm ra mắt, kết quả từ chương trình đào tạo ĐH dành cho CN, các chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm đã phần nào được ghi nhận; các học viên CN đều phản hồi tích cực về lớp học cũng như kiến thức họ được tiếp cận. Tuy nhiên, với 2,2 triệu CN đang làm việc tại các cơ sở sản xuất ở TPHCM, con số vài chục học viên tham gia học ĐH và vài trăm học viên được đào tạo ngoại ngữ như vậy là rất nhỏ. 

Ông Trần Đoàn Trung cho biết, chương trình đào tạo ĐH hệ vừa học vừa làm dành cho CN khóa đầu tiên khai giảng vào tháng 8-2017 có 60 học viên đăng ký, hiện còn 25 học viên theo học. Đến nay, chương trình cũng đã tuyển sinh khóa thứ 2 với 40 học viên đăng ký.

Người lao động có nhu cầu theo học chỉ cần nộp học bạ cấp 3 để xét tuyển và được hưởng chế độ miễn, giảm học phí của đơn vị, của Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ngoài ra, người lao động theo học còn được Quỹ CEP (Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) hỗ trợ vay đóng học phí.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết đây cũng là điều mà LĐLĐ TPHCM rất trăn trở. Theo ông Trung, nhiều nguyên nhân khiến học viên chưa theo học. Đầu tiên, để theo học hơn 4 năm ĐH, ngoài hỗ trợ từ gia đình, đơn vị công tác thì đòi hỏi ý chí, sự kiên nhẫn rất lớn của học viên. Trong khi đó, người lao động còn rất nhiều mối lo toan về cơm, áo, gạo, tiền, chăm lo cho con cái… nên rất khó tham gia lớp học. Mặt khác, ông Trung cũng thừa nhận công tác tuyên truyền của LĐLĐ chưa sâu sát đến từng CN, nhiều người vẫn chưa biết học để làm gì và ngại học vì thời gian tương đối dài. Trong khi đó, một bộ phận người lao động cho rằng họ làm việc tại công ty chỉ là tạm thời, không có ý định gắn bó lâu dài nên có muốn học cũng không đăng ký.

“Qua làm việc với các trường ĐH, nhiều trường sẵn sàng mở lớp nếu đủ số lượng học viên, vừa giúp CN được đào tạo đa dạng ngành nghề, vừa kéo lớp học về gần CN hơn. Tuy nhiên số lượng CN đăng ký vẫn rất hạn chế. Do đó, trước mắt chúng tôi phải giải quyết khâu tuyên truyền sao cho thật tốt”, ông Trung nói.

Tương tự, ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc YEAC, cũng cho rằng hiện mỗi năm YEAC mở tối đa được 8 lớp ngoại ngữ, chưa đáp ứng được hết nhu cầu học của người lao động. Theo ông Vũ, nguyên nhân một phần do các lớp học chỉ được mở ở 3 văn phòng của YEAC gồm huyện Bình Chánh, quận 7, quận Thủ Đức, nên nhiều CN ở các cơ sở sản xuất xa khó tiếp cận được.

Tin cùng chuyên mục