Trường chuyên được đầu tư "lộng lẫy" trong khi trường khác xập xệ thì thực sự phản cảm

Các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác, cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 21-1, đại diện các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của đề án phát triển hệ thống trường chuyên. 

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng chia sẻ, nhờ có Đề án phát triển trường chuyên, từ 1 lớp A0, ĐHQGHN đã thành lập được 3 trường chuyên; các trường chuyên trong hệ thống ĐHQGHN phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên dẫn đầu cả nước về giải thưởng quốc tế. Cũng nhờ đề án này mà nhiều địa phương, kể cả địa phương khó khăn đã có giải thưởng quốc tế.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề xuất Bộ GD-ĐT sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên…

Các ý kiến chuyên gia tại hội nghị cũng khẳng định, mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã phần nào khẳng định được vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác.

Nhưng các ý kiến cũng khẳng định, trường chuyên không phải nơi đào tạo “gà nòi” mà phải đào tạo nhân tài có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có ước mơ, đam mê, hoài bão… Cần đổi mới chương trình đào tạo trường chuyên; quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trường chuyên, làm sao giáo viên trường chuyên phải là những thầy cô giỏi nhất... Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trường chuyên phải có vai trò dẫn dắt, đi đầu, là nơi sáng tạo dành cho những người sáng tạo nhất. Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi - đó chính là sự công bằng trong giáo dục, do đó hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông. Nhấn mạnh về những việc cần làm và cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới GD-ĐT nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

Theo Bộ trưởng, một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn - mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển. Đào tạo chuyên dù đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu, vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần tránh những áp lực tuyển sinh trường chuyên khi mà không ít bậc phụ huynh chưa suy nghĩ thấu đáo, chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Bởi nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. “Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác, cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

“Trường chuyên được đầu tư "lộng lẫy" trong khi còn những trường chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa” - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đồng thời, cần xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, cổ vũ phương pháp giáo dục cá thể hóa. Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng quy chế về trường chuyên mới với quan điểm là tiếp tục đổi mới hệ thống trường chuyên, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng, mục tiêu là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục