Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Trị Mai nhấn mạnh: Mỗi một giai đoạn có một yêu cầu khác nhau. Vì vậy, đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn lãnh đạo của Đảng. Không đổi mới thì có khi cản trở quá trình phát triển.


Sáng 23-6, tại TPHCM, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 2 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đổi mới cơ chế “tranh cử” giữa đảng viên

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc và nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (viết tắt là Nghị quyết Trung ương 5, khóa X), chúng ta đã được cung cấp nhiều thực tiễn sinh động, phong phú, những cách làm hay, những mô hình sáng tạo để tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 4 Đồng chí Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là một nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh và phân tích, đây là một nhiệm vụ hệ trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; liên quan đến nhiều vấn đề mới và khó.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 5 Đồng chí Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ đó, đồng chí gợi mở nhiều vấn đề cụ thể, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn một số vấn đề mới, còn đang có ý kiến khác nhau, có tính thời sự nổi bật. Trong đó, ở nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, yêu cầu đặc biệt quan trọng là cần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, có năng lực thật sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là với những thay đổi nhanh chóng của tình hình.

Cùng với đó là đổi mới thực chất chế độ tiền lương để cán bộ, công chức đủ sống và an tâm làm việc; tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng chủ yếu dựa vào sản phẩm đầu ra và các kết quả công việc cụ thể. Đồng thời thiết lập và đổi mới cơ chế “tranh cử” giữa những đảng viên được tổ chức đảng giới thiệu cho cơ quan nhà nước. Đặc biệt là nghiên cứu thí điểm các cơ chế bổ nhiệm vượt cấp để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có tài năng thật sự phát huy năng lực và cống hiến cho đất nước.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục đổi mới việc phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước. Trong đó có việc thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” bằng những quy định cụ thể, dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc nhằm tạo môi trường đổi mới sáng tạo; khuyến khích, bảo vệ được cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái, bảo vệ người tốt, việc đúng.

Song song đó là việc đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên. Điều quan trọng là cần tăng cường hơn nữa chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên để phòng, chống sai phạm từ sớm, từ xa, nhất là đối với những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương chia sẻ thêm, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ khóa XIII nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, trình Hội nghị Trung ương 6 cho ý kiến.

Đây là một đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các địa phương, nhà khoa học đã có nhiều chia sẻ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, thẳng thắn nhìn nhận dù có nhiều cố gắng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu từ sau Nghị quyết 15 đến nay, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn để xảy ra sai phạm, khuyết điểm.

Cùng với đó, có lúc, có việc buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng vì thế, một số cán bộ, đảng viên chủ chốt sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng nên 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2010-2015 và 2015-2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận bị Bộ Chính trị kỷ luật, có đồng chí bị khởi tố, bắt tạm giam. Đây là tổn thất rất lớn đối với Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về cán bộ, về uy tín, niềm tin và là bài học sâu sắc đối với Đảng bộ tỉnh trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới.

Đồng tình với gợi mở của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng phải có sự cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình và kỹ năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đặc biệt là việc các biện pháp chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa, ngăn chặn từ xa những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, không để khuyết điểm nhỏ kéo dài trở thành vi phạm lớn.

Cũng liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau đề nghị có cơ chế kiểm tra, thanh tra giám sát hiệu quả hơn, mà đặc biệt là có cơ chế để không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.

Thí điểm vấn đề mới để tạo sự phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu và nhận xét, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề toàn diện, xuyên suốt và phải được đồng bộ và phải liên thông nhau.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 6 Đồng chí Trương Thị Mai phân tích nhiều giải pháp về công tác cán bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Trương Trị Mai nhấn mạnh, mỗi một giai đoạn có một yêu cầu khác nhau. Vì vậy, đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn lãnh đạo của Đảng. “Không đổi mới thì có khi cản trở quá trình phát triển”, đồng chí phân tích và chia sẻ thêm cũng còn nhiều câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu trả lời. Chẳng hạn vì sao nhiều chủ trương, đường lối của Đảng rất đúng đắn nhưng vì sao đi vào thực tiễn thì hạn chế, thậm chí không đúng. Đó có phải do quá trình vận hành, tổ chức thực hiện có vấn đề?

Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua công tác tổ chức, cán bộ. Dẫn chứng về “TP Thủ Đức”, mô hình thí điểm “thành phố trong thành phố”, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, việc thiết kế, tổ chức bộ máy hợp lý phải phù hợp với quá trình vận hành. Do đó, tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo quá trình tiếp tục phát triển như mục tiêu đề ra.

Chia sẻ thêm về công tác cán bộ, đồng chí Trương Thị Mai cho hay, hầu như cuộc họp nào cũng đề cập vấn đề này, với mong muốn là có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Song rất tiếc mong muốn ấy chưa đạt được, mà nguyên nhân có phần từ công tác đánh giá cán bộ vẫn còn hạn chế.

Đồng chí cũng phân tích về nhiều giải pháp về công tác cán bộ, trong đó, sắp tới Ban Tổ chức Trung ương trình thí điểm cơ chế bổ nhiệm cán bộ nhanh hơn, theo cơ chế đặc thù với cán bộ trẻ, cán bộ giỏi, có năng lực nổi trội, đáp ứng được yêu cầu.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, nhiệm vụ đổi mới sẽ tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc, những nội dung nào đã chắc chắn thì cần có quy định cụ thể. Những nội dung, vấn đề gì chưa chắc chắn thì thực hiện thí điểm và chỉ có mạnh dạn thí điểm mới có căn cứ, cơ sở để quyết định, tạo sự phát triển.

“Nếu rập khuôn quá thì sẽ bó thực tiễn. Nếu tùy tiện quá thì sẽ phá vỡ nguyên tắc của Đảng. Nếu bao biện quá thì sẽ bó tay, mà nếu buông lỏng thì không kiểm soát được. Do đó, yêu cầu đặt ra là tất cả những vấn đề này phải được cân đối”, đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ và cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện đề án.

Tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” có các đồng chí là đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng, các ban xây dựng Đảng ở Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia; cùng các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Nam; Thường trực Thành ủy TPHCM…

Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Đến nay, TPHCM đã tổng kết và ban hành kết luận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X).

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Không đổi mới có khi cản trở phát triển ảnh 7 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc tổ chức hội thảo hôm nay là cơ hội để TPHCM được trực tiếp lắng nghe, tiếp thu các ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm bổ sung nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là việc tiếp thu học hỏi những thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo của các tỉnh, thành bạn để áp dụng vào thực tiễn của TPHCM trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục