Trước sức ép lạm phát

Dù 4 tháng đầu năm 2019 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (tăng 2,71%), nhưng cũng trong tháng 3 và 4, hàng loạt mặt hàng trọng yếu đều có sự biến động tăng, đặc biệt là mặt hàng điện, xăng dầu, gây áp lực nhất định đến lạm phát trong quý 2.

Quý 1-2019, giá dầu thế giới đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua, tăng 27% (kể từ đầu năm đến ngày 2-5, giá xăng E5 RON92 đã tăng 4.410 đồng/lít, xăng RON95 tăng 4.590 đồng/lít); giá điện được điều chỉnh tăng bình quân 8,36% (từ ngày 20-3); tháng 4, giá gas tăng 1,42% so với tháng 3 do tác động của giá thế giới tăng; từ tháng 4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa năm học 2019-2020; từ 1-5, ở Hà Nội, giá gần 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả chính thức tăng giá… Bên cạnh đó,  nhóm hàng hóa và dịch vụ ăn uống vốn chiếm tới hơn 36% trong rổ 11 nhóm hàng hóa tính CPI, cũng tăng giá. Trong khi đó, từ 1-7 tới, lương cơ sở sẽ tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, 9 tháng còn lại của năm 2019, nhất là đối với quý 2, được coi là thời gian bản lề cho công tác điều hành giá cả năm. Trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu có xu hướng biến động khó lường, khó dự báo; một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường thì công tác điều hành giá dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là khi có nhiều yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ, rủi ro về thị trường và tình hình chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.

Bên cạnh những yếu tố bất lợi, việc điều hành giá cả cũng có những điểm thuận lợi. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước không chịu nhiều áp lực trong điều hành chính sách tiền tệ so với năm 2018 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tăng, giảm lãi suất đồng USD; giá dầu thô Mỹ gần đây giảm gần 3% khi thị trường phải đương đầu với mối lo dư cung do các biện pháp trừng phạt gia tăng của Mỹ áp lên Iran có ảnh hưởng ít hơn dự kiến…
Trong chỉ đạo điều hành, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền việc tăng giá điện; rà soát các hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, trường hợp giảm được giá thì ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí; tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế nhằm hạ giá thuốc; trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường và chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát… Mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm nay là kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức 3,3% - 3,9%.
Ngoài những giải pháp trên, các chuyên gia lưu ý, để kiểm soát lạm phát trong vòng mục tiêu đặt ra, vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò quan trọng. Khi áp lực lạm phát trong nước tăng thì vấn đề cung tiền, đặc biệt là tín dụng cần đảm bảo không quá nóng. Với giá điện, sau khi mặt hàng này được điều chỉnh thì các mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý cần phải tính toán phù hợp với biến động của lạm phát, tránh tình trạng cộng hưởng khiến lạm phát có thể tăng đột biến. Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tác động tâm lý, gây phản ứng dây chuyền khi có biến động giá cả, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng để đẩy giá các hàng hóa khác thì việc thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá cần phải chủ động, nhanh chóng. Bởi, để kiểm soát lạm phát kỳ vọng thì việc công khai, minh bạch thông tin về giá cả hàng hóa luôn đóng vai trò quan trọng.

Tin cùng chuyên mục