Trung Quốc đối mặt “cạm bẫy” kép

Từ sau khi bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc hồi đầu tháng 7 đến nay, kinh tế Trung Quốc liên tiếp xuất hiện những thông tin xấu. Vì lẽ đó, nhiều nhà phân tích vốn ca ngợi kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi cách đánh giá, thậm chí còn có quan điểm cho rằng, kinh tế Trung Quốc trước sự tấn công của 2 “cạm bẫy” lớn không dễ khắc phục.  
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo

“Bẫy Thucydides”

Những thông tin xấu của kinh tế Trung Quốc trước tiên đến từ số liệu xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn so với dự báo và tiếp đó là thị trường chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng đảo chiều đi xuống. Điều khiến mọi người chú ý nữa là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc không ngừng chuyển sang thế yếu khi tỷ giá quy đổi so với đồng USD đang từ mức 6,5 NDT đổi 1USD sang 6,7 NDT đổi 1 USD gần đây và vẫn còn khả năng sang mức 7 NDT đổi 1USD. Đồng NDT không ngừng mất giá đã phản ánh tiền vốn có thể chảy ra bên ngoài và sẽ tạo thành sức ép đối với các doanh nghiệp nhỏ dựa vào xuất nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với tổn thất của các doanh nghiệp trong quy đổi đồng NDT sang USD gia tăng, thu nhập xuất khẩu đi xuống, giá thành nhập khẩu tăng cao, những doanh nghiệp có nguồn vốn eo hẹp không dễ vượt qua khó khăn này. 

“Cạm bẫy” đầu tiên giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang phải đối mặt là bẫy “Thucydides” hay Trung Quốc - Mỹ tranh hùng. Khái niệm “bẫy Thucydides” nói về sự đối đầu một mất một còn giữa Athens và Sparta của Hy Lạp cổ đại, sau đó được dùng cho cuộc tranh hùng khác trong lịch sử. Học giả người Mỹ Graham Allison đặt “bẫy Thucydides” vào quan hệ Trung Quốc - Mỹ và cho rằng Bắc Kinh trỗi dậy thách thức địa vị bá quyền của Washington, có thể dẫn đến đọ sức quyết liệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang áp dụng hàng loạt biện pháp chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tuy không phải là vũ khí đe dọa nhưng lại kiềm chế Trung Quốc phát triển kinh tế và khoa học công nghệ. Trong đó, biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ của Mỹ, cho thấy Mỹ muốn cản trở sự phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc. 

Có thể nói, mục tiêu thực sự trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ở chỗ làm thế nào kìm hãm thực lực chế tạo khoa học công nghệ cao của Trung Quốc trong thời gian dài. 

“Bẫy thu nhập trung bình”

Chiếc bẫy này để nói về một nước đang phát triển trải qua giai đoạn phát triển với tốc độ cao trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là GDP bình quân đầu người hàng năm sau khi tăng đến mức 3.000USD sẽ không thể tiếp tục tăng thêm, kinh tế xuất hiện tình trạng đình trệ, xã hội biến động, không có cách gì để duy trì tăng trưởng nhanh vốn có. 

Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi quỹ đạo kinh tế, mô hình trước đây dựa vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và sử dụng lượng lớn thành quả khoa học công nghệ của nước khác (giảm được chi phí nghiên cứu phát triển) đã không thể tiếp tục. Ngoài ra, tăng trưởng nhân khẩu lao động đã giảm mạnh, trong tương lai đòi hỏi nâng cao hiệu quả kinh tế, thực lực khoa học công nghệ và tiêu dùng cá nhân mới có thể duy trì kinh tế tăng trưởng liên tục. Thế nhưng, trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, lợi nhuận từ đầu tư giảm mạnh, khai thác mở rộng thị trường ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, Mỹ và các nước khác bắt đầu thắt chặt chuyển nhượng kỹ thuật sang Trung Quốc, hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài, quá trình chuyển đổi quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, có thể khiến tăng trưởng GDP chậm lại bất kỳ lúc nào. Do vậy, Trung Quốc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. 

Ngay cả các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc cũng thừa nhận trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ lan rộng, tình trạng kinh tế của Trung Quốc đã xuất hiện “đèn đỏ”. Giới quan sát quan ngại rằng kinh tế Trung Quốc trong tương lai có thể “tin xấu nhiều hơn tin tốt”.

Tin cùng chuyên mục