Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo - Bài 1: Đủ chiêu lách, giảm

LTS: Hiến máu nhân đạo là một phong trào ý nghĩa, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Đó là một hoạt động nhân đạo, tình nguyện nên không thể chấp nhận hành vi trục lợi từ những món quà cho người hiến tặng. Loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo qua điều tra của Báo SGGP, phản ánh khuất tất trong quà tặng hiến máu nhân đạo, nhằm loại bỏ những hành vi trục lợi trên giọt máu hồng; củng cố niềm tin trong những người hiến máu, trong quần chúng nhân dân về một phong trào có ý nghĩa nhân văn cao cả.

Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo - Bài 1: Đủ chiêu lách, giảm ảnh 1 Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM đăng ký hiến máu nhân đạo.  Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cào bằng, lập lờ, thiếu hướng dẫn cụ thể… là những gì mà chúng tôi ghi nhận tại các điểm hiến máu nhân đạo. Điều đáng nói là những người hiến máu, không mấy ai quan tâm đến quà tặng theo quy định cho người hiến máu là gì, bởi họ xem đây là một hoạt động tình nguyện, ý nghĩa. Đó là điểm mấu chốt cho những chiêu lách, giảm xuất hiện tại nhiều điểm hiến máu nhân đạo ở TPHCM thời gian qua.


Cào bằng, lập lờ

Ngày 18-10, tại điểm hiến máu bên trong Trung tâm thương mại Takashimaya (92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), thu hút hàng trăm người tìm đến hiến máu. Theo quan sát, sau khi hoàn tất hiến máu, người hiến 350ml máu/lần được nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện và 1 món quà tự chọn trong số các món: bộ ly tách, túi xách đeo chéo, cà mên (dụng cụ chứa thực phẩm) 4 tầng, gấu bông… Còn với người hiến 450ml máu/lần, ngoài giấy chứng nhận hiến máu và phần quà tự chọn, có thêm tiền mặt 50.000 đồng.

Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo - Bài 1: Đủ chiêu lách, giảm ảnh 2 Các bạn trẻ chọn phần quà là thú nhồi bông tại một điểm hiến máu nhân đạo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hầu hết người tham gia hiến máu tại đây đều đăng ký hiến túi máu 350ml và không quan tâm đến việc mình nhận được quà gì. Một nhân viên văn phòng tại trung tâm thương mại cho biết, anh nhận được thông báo của công ty, nhận thấy đủ điều kiện và sức khỏe nên tham gia. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến phần quà nhận được và số tiền 50.000 đồng chi phí đi lại mà đáng lẽ theo quy định, người hiến 350ml máu sẽ được nhận, anh chỉ cười cho biết mình làm với mục đích nhân đạo, không quan tâm đến túi quà. Tại đây, có 2-3 nhân viên đứng phát quà mặc đồng phục không phải của trung tâm hiến máu nhân đạo rất linh hoạt trong việc phân loại các món quà tặng, cho vào túi và phát tận tay người hiến máu. 


Một buổi hiến máu ở chung cư Hưng Ngân (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) mới đây thu hút nhiều người dân địa phương đến hiến máu. Ngoài phần tiền 80.000 đồng (tiền đi lại và ăn sáng) theo quy định, phường chi thêm 50.000 đồng cho mỗi người hiến. Vừa mới hiến 350ml máu, anh L.V.T. chọn một ba lô có xuất xứ Việt Nam với một phong bì 130.000 đồng. Khi mở ra, anh cho hay: “Đây là tiền xăng, tiền ăn sáng. Mình đã hiến rất nhiều lần nhưng số tiền mỗi nơi mỗi khác. Mình tình nguyện chứ không phải bán máu lấy tiền nên không đòi hỏi gì”. Tại điểm này, một số người hiến máu 350ml chỉ nhận được 6 hộp sữa đặc có đường hiệu Tài Lộc mà không có 4 vỉ sữa nhỏ, vỉ thuốc bổ máu, theo quy định. 

Chúng tôi ghi nhận một buổi hiến máu tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương VI (phường 12, quận 6), có đồ ăn sáng là bánh mì với chai nước suối 350ml. Tại điểm này, người hiến máu 350ml nhận được phần quà là phong bì 100.000 đồng, trong đó có 50.000 đồng do địa phương hỗ trợ. Điểm lạ là một số người hiến 450ml máu nhưng cũng nhận phần quà y chang hiến 350ml, trong khi đáng lý theo quy định phần quà có giá trị lớn hơn nhưng do người hiến không để ý băng rôn hướng dẫn, còn người đưa quà chỉ bỏ quà vào túi mà không tư vấn để người hiến 450ml biết. Trong khi đó, theo quy định, phần quà cho người hiến 450ml máu trị giá 180.000 đồng sẽ được chọn phần quà như người hiến 350ml, thêm 2 khăn mặt hoặc một ca sứ hoặc chọn phần quà 8 hộp sữa đặc có đường Tài Lộc, 1 vỉ sữa nhỏ và 1 vỉ thuốc bổ máu.

Sáng 26-10, chúng tôi có mặt tại Trường Đại học Luật TPHCM (số 2 Nguyễn Tất Thành, quận 4) ghi nhận một buổi hiến máu. Mặc dù khu vực phát quà có phân chia khu vực bàn để quà cho người hiến máu 250ml, 350ml nhưng khi chúng tôi hỏi một số sinh viên thì các phần quà này như nhau. Thậm chí, phần sữa tự chọn bồi dưỡng cho người hiến máu ở điểm này cũng không thấy, trong khi đây là phần quà có giá trị dinh dưỡng tốt sau hiến máu. 

Chất lượng quà tặng - hên xui!

Chúng tôi đăng ký tham gia một buổi hiến máu nhân đạo tại chùa Hòa Khánh (215 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh). Sau phần điền thông tin, kiểm tra huyết áp, uống nước đường, kiểm tra thông tin, sức khỏe kỹ càng, mọi người vào bên trong chùa để bác sĩ, kỹ thuật viên lấy máu. Sau cùng mọi người khi ra về mới đến nhận quà tặng. Người hiến 250ml nhận tiền bồi dưỡng và 1 phần quà tự chọn trị giá 100.000 đồng như: 4 hộp sữa đường, 2 hộp sữa nhỏ, 1 vỉ thuốc bổ Tophem; bộ sứ 6 sản phẩm; thú nhồi bông; bộ bấm móng tay; bộ ấm trà, cà phê; bộ hộp gia vị… Người hiến 350ml nhận tiền bồi dưỡng và quà tự chọn trị giá 150.000 đồng, gồm: 6 hộp sữa đặc, 4 hộp sữa nhỏ, 1 vỉ thuốc bổ Tophem; nồi lẩu hấp inox; bộ bấm móng tay 19 dụng cụ; áo mưa măng tô; túi iPad 209; túi đeo chéo 017; nồi lẩu 2 ngăn… Riêng phần quà cho thể tích 450ml có kèm suất quà trị giá 180.000 đồng. Tất cả các sản phẩm hầu hết được giới thiệu hàng “cao cấp”, xuất xứ Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan… 

Một buổi hiến máu mới đây tại trụ sở UBND xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) có rất đông bà con địa phương tham gia. Tại đây, địa phương chi thêm cho mỗi người hiến máu 100.000 đồng. Anh N.H.L. cho hay, hiến 350ml máu, nhận được 6 hộp sữa đặc, 4 vỉ sữa giấy và 1 vỉ thuốc bổ máu. Anh L. cho biết đã hiến máu hơn 30 lần nhưng mỗi lần hiến có quà khác nhau, tiền nhận cũng khác, có nơi 80.000 đồng, 100.000 đồng, 120.000 đồng, 150.000 đồng, 200.000 đồng, thậm chí có chỗ hiến máu không có quà nhưng tiền nhận đến 250.000 đồng. Theo anh L., đó là bất bình thường. Anh cũng nghe thông tin từ những người hiến máu “chuyên nghiệp” khác về một số nơi trao quà và tiền không đúng quy định, còn bản thân không biết số tiền và quà bao nhiêu mới đúng. 

Theo anh L., tại các điểm hiến máu có băng rôn ghi rõ quy định quà cho người hiến máu nhưng không mấy ai để ý. Anh L. cho biết, trước kia do có bệnh nên cũng nhận máu từ người khác mới qua cơn nguy kịch. Từ đó, anh chọn hiến máu cứu người để trả ơn mình đã được giúp. Bà V.M.T. cũng hiến 350ml máu và chọn phần quà là bộ tách uống nước. Lần trước, bà chọn phần quà là bộ ly để bàn, mới rửa sơ vài lần là nứt, bong tróc hoa văn. Trong khi đó, anh Đ.H.V. chọn phần quà là cây dù. “Lần trước, tôi nhận con gấu bông nhưng sử dụng được thời gian ngắn thì bị bung chỉ nên tôi bỏ luôn”, anh cho hay. Theo quan sát, nhiều người hiến máu “chuyên nghiệp” (từ 10 lần trở lên) đa phần lựa chọn phần quà là sữa. Bởi, nhiều người đều cho rằng, những phần quà tự chọn đều có chất lượng không đảm bảo, trong khi sữa có thể dùng chế biến thực phẩm khác. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm tiền mặt cho người hiến máu ở nhiều địa phương để “hoàn thành chỉ tiêu”. Do đó, số tiền hỗ trợ người hiến máu tại các địa phương luôn khác nhau, còn chất lượng quà tặng như thế nào, có tương đương quy định về giá tiền hay không lại là chuyện khác.

Theo Thông tư 17/2020/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1-1-2021 quy định mức chi hiến máu lấy tiền trực tiếp một đơn vị máu 250ml cho người hiến máu là 195.000 đồng; 350ml là 320.000 đồng và 450ml là 430.000 đồng. Quy định mức hỗ trợ cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền cũng được chia nhiều hình thức. Với người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng dịch vụ khám chữa bệnh có giá trị tối thiểu: 250ml nhận 100.000 đồng; 350ml nhận 150.000 đồng; 450ml nhận 180.000 đồng. Ngoài ra, người hiến máu tình nguyện còn được hỗ trợ chi phí đi lại, tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu, tiền ăn uống tại chỗ 30.000 đồng/người/lần hiến máu.

Tặng thư pháp nhưng mua thanh treo Trong những ngày điều tra, chúng tôi nhận thấy ở một số điểm hiến máu lớn như tòa nhà, doanh nghiệp, chung cư, có một nhóm người, lúc mặc đồng phục của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, lúc không, tổ chức viết và tặng thư pháp cho người hiến máu. Hỏi một bạn trẻ ngồi viết thư pháp tại Trung tâm thương mại Takashimaya (92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), người này cho hay là sinh viên, được trả thù lao 200.000 đồng cho một buổi viết thư pháp. Bức thư pháp được tặng miễn phí, nhưng để treo lên thì một người ngồi ngay đó “hướng dẫn” mua 2 thanh gắn thư pháp và dây treo với giá 30.000 đồng. Nhiều người hiến máu bỏ tiền mua 2 thanh treo này. Quả là đi hiến máu được quà và cũng phải “mua quà”.

--------------- Bài 2: Số dư đi về đâu?

Tin cùng chuyên mục