Trục lợi bản quyền trên nền tảng số

Lợi dụng tính năng quản lý nội dung YouTube cung cấp, lợi dụng lỗ hổng bản quyền các tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, một số đơn vị đã và đang lạm dụng, trục lợi từ những “đứa con tinh thần” của các nhạc sĩ, thậm chí các tác phẩm âm nhạc truyền thống, dân gian.

Có không ít nhạc sĩ từng lên tiếng khi các tác phẩm họ viết nhưng bị đơn vị khác nhận quyền sở hữu, các ca sĩ, cá nhân hát lại không xin phép, bật nút kiếm tiền trên YouTube. Nếu không ai phát hiện, lên tiếng thì các tác phẩm vẫn cứ âm thầm bị khai thác. 

Am hiểu công nghệ, một số đơn vị, cá nhân “đi trước một bước” đăng ký sở hữu các tác phẩm qua hệ thống Content ID cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu. 

Không chỉ sản phẩm âm nhạc của nhiều tác giả bị “đánh gậy bản quyền” trái phép mà còn nhiều tác phẩm nghệ thuật dân gian cũng bị “âm thầm” khai thác trên nền tảng số. Các tác phẩm như ca khúc quan họ Giã bạn hay vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn được diễn viên Gia Bảo cho biết gia đình anh đặt hàng sáng tác và phát miễn phí trên YouTube nhưng lại bị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ truyền thông Bihaco (BH Media) báo cáo vi phạm bản quyền.

Trước đó, nhạc sĩ Giáng Son cũng cho biết cô bị “đánh gậy bản quyền” ca khúc Giấc mơ trưa do cô sáng tác với lý do đoạn âm thanh cô đăng tải lên YouTube giống đoạn âm thanh màn trình diễn Giấc mơ trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh được sở hữu bởi BH Media, Hồ Gươm Audio. Không đồng tình, nhạc sĩ Giáng Son gửi đơn kiến nghị Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Trong cuộc họp báo cuối tháng 10, BH Media cho rằng nhạc sĩ Giáng Son đã “hiểu lầm về bản quyền YouTube” vì trên nền tảng này hiện có nhiều bản ghi Giấc mơ trưa của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Đáp lại, nhạc sĩ Giáng Son khẳng định không ký độc quyền tác phẩm cho bất cứ ai, tổ chức nào, YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác tự quản lý và thực thi, nếu đối tác không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của cô bị dính xác nhận bản quyền từ BH Media. 

Thông tin BH Media “nhận vơ” sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca do gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng nhân dân và Tổ quốc vào năm 2016, cũng khiến dư luận bức xúc. Đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết bộ đã nắm thông tin, sẽ xem xét sự việc, chuyển nội dung cho đơn vị chuyên môn giải quyết. 

Trong khi đó, BH Media phủ nhận nội dung Bản tin Chuyển động 24h của VTV lên tiếng BH Media nhận vơ sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca, “đánh gậy bản quyền” chưa đúng nhiều sản phẩm âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật dân gian trên nền tảng số. 

Về việc khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube, BH Media cho biết Hồ Gươm Audio ủy quyền công ty này quản lý, khai thác trên YouTube và họ không bật nút kiếm tiền. BH Media đưa ra các dẫn chứng quốc ca một số nước có nhiều bản ghi khác nhau do các hãng đĩa sản xuất và bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng phải xin phép các hãng. Tuy nhiên, Tiến quân ca đã được tác giả hiến tặng nhân dân và Tổ quốc, nên việc bất kỳ tổ chức nào “đánh gậy bản quyền” là không thể chấp nhận.

Có ca khúc là tài sản riêng nhạc sĩ, có ca khúc lại là tài sản chung của nhân dân. Đừng lạm dụng tính năng quản lý nội dung YouTube cấp để làm sai, nhận vơ bản quyền, vô tư nhận lấy giá trị doanh thu từ các tác phẩm.

Tin cùng chuyên mục