Trừ điểm cán bộ không niềm nở tiếp dân

Huyện Nhà Bè (TPHCM) đã thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức) định kỳ hàng quý. Đặc biệt, việc đánh giá dựa trên bộ tiêu chí có điểm số cụ thể. Trong đó có một số tiêu chí mà công chức phạm phải sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. 
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Nhà Bè
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Nhà Bè
Cách làm sáng tạo này đáng được tham khảo, nhất là trong bối cảnh TPHCM cần có kết quả đánh giá công chức thực chất hơn, phục vụ cho việc chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù.
Tiêu chí rõ ràng, lượng hóa điểm số
“Trước đây, tại huyện Nhà Bè có xảy ra tình trạng người dân bức xúc trước thái độ phục vụ của công chức nên phản ứng, tạo ra những hình ảnh phản cảm. Trong các trường hợp này, công chức không sai nhưng do thái độ xử lý chưa tốt, chưa tận tình hướng dẫn người dân. Một trong những giải pháp quan trọng để chấn chỉnh là thực hiện đánh giá công chức định kỳ hàng quý với tiêu chí lượng hóa rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nhà Bè, khẳng định.
Đây cũng là điểm đặc biệt trong quy trình đánh giá công chức, được huyện Nhà Bè vừa áp dụng. Qua 2 kỳ đánh giá, ở huyện có 4 công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. “Theo Nghị định 56/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, những trường hợp bị kỷ luật sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, 4 công chức này không bị kỷ luật, cũng không bị khiếu nại, tố cáo nhưng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ vì bị điểm liệt”, ông Nguyễn Văn Năm thông tin.
Ông Nguyễn Văn Năm giải thích, UBND huyện Nhà Bè đã chi tiết hóa các nội dung cần đánh giá theo Nghị định 56 thành 30 tiêu chí với thang điểm cụ thể. Công chức thể hiện tốt hoặc xuất sắc ở từng tiêu chí sẽ được trọn điểm chuẩn, nhưng tối đa cũng chỉ 90 điểm. Công chức thể hiện trung bình sẽ bị trừ ít nhất 1 điểm. Nếu thể hiện kém thì không được điểm.
Ngoài ra, công chức thể hiện xuất sắc, nổi trội trong tiêu chí hiệu quả công việc, phục vụ người dân sẽ được thưởng (tối đa 10 điểm). Như vậy, cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (từ 90 - 100 điểm và không vướng điểm liệt) sẽ có người được 90 điểm nhưng có người được 100 điểm. “Điểm thưởng giúp phân loại ngay trong 1 loại xếp loại theo Nghị định 56 đối với từng công chức”, ông Nguyễn Văn Năm phân tích và lưu ý có những công chức đạt 99 điểm cũng chưa chắc được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ thể, công chức bị điểm liệt (như về phẩm chất chính trị hoặc chất lượng, hiệu quả công việc) thì không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tệ hơn, công chức có thể bị xếp loại hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Năm cũng khẳng định, huyện yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải nắm vững chuyên môn để tham mưu cho cấp trên chuẩn xác hoặc xử lý công việc được giao đúng quy định. Đây là điều rất quan trọng. Cạnh đó, công chức dù có “bận tối mặt mũi” cũng phải niềm nở, giải thích cặn kẽ với người dân. Nếu vi phạm nguyên tắc này và thô lỗ với người dân, công chức có thể bị chấm điểm liệt và xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, huyện Nhà Bè cũng xây dựng các tiêu chí cá biệt. Ở cực yếu kém, công chức có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, tham mưu giải quyết hồ sơ của dân trễ hạn, bị dư luận phản ánh… sẽ được tạo điều kiện khắc phục và nếu vẫn không thay đổi, phấn đấu tốt sẽ bị loại khỏi bộ máy. Ngược lại, những công chức có năng lực nổi trội (như có khả năng nhận định, khái quát hoặc đúc kết vấn đề, có sự nhạy bén trong công việc, được dư luận đánh giá tốt…) sẽ được lưu ý trong việc quy hoạch, đề bạt hoặc bổ nhiệm cán bộ. 
Hiệu quả công việc nâng cao, phục vụ dân tốt hơn
Trước đây việc đánh giá công chức hàng năm ở huyện chưa đảm bảo thực chất. Kết quả đánh giá cho thấy số công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ quá nhiều và chỉ những công chức bị kỷ luật mới xếp loại không hoàn thành.
“Cấp dưới đánh giá, báo cáo lên dù huyện cảm nhận không đúng thực chất nhưng không thể xác định cụ thể hay phản biện được. Ngoài ra, trong công tác điều hành của lãnh đạo quận cảm nhận được có đơn vị có nhiều mặt chưa tốt trong chỉ đạo điều hành, tham mưu, báo cáo, công việc trễ tiến độ… Vậy nhưng vì sao, công chức cứ hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ? Đồng thời, không ai chịu trách nhiệm đối với các hạn chế nêu trên”, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu trăn trở.
Cạnh đó, việc đánh giá thực hiện mỗi năm 1 lần, diễn ra vào cuối năm nên thường có tâm lý “cuối năm nên du di cho nhau, xuê xoa rút kinh nghiệm”. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, huyện tiến hành đánh giá định kỳ hàng quý. Kết quả này sẽ làm căn cứ cho việc đánh giá cuối năm. Qua một thời gian thực hiện cho thấy hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao. Người dân được phục vụ tốt hơn, tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn, trả hồ sơ giảm nhiều.
Về tác động tích cực của cách làm mới này, ông Nguyễn Văn Năm, giải thích trưởng các ban ngành, chủ tịch UBND các xã - thị trấn phải có trách nhiệm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, họ cũng phải theo dõi sát sao, kiểm tra công việc của từng công chức mới có thể đánh giá công tâm, khách quan và chính xác. Nếu không, cán bộ, công chức, viên chức bị đánh giá sẽ không phục và phản ứng. Cùng đó, việc đánh giá định kỳ giúp kịp thời xác định các hạn chế, khuyết điểm và có tác dụng thúc đẩy để công chức điều chỉnh kịp thời, thay vì chờ năm sau hoặc rơi vào quên lãng như cách đánh giá vào cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Năm cũng dẫn chứng, trong các năm 2015 và 2016, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ ở huyện chiếm khoảng 0,3%. Năm 2017, qua áp dụng cách đánh giá cán bộ theo tiêu chí mới trong nửa năm cuối, tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ giảm còn 0,1%.
“Điều này cho thấy, thực hiện đánh giá định kỳ và theo tiêu chí mới đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa, giáo dục đối với công chức”, ông Nguyễn Văn Năm nhận xét và khẳng định kết quả đánh giá thực chất hơn, không phải đánh giá theo kiểu chạy theo thành tích. Bởi lẽ năm 2016, số công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 33,9%, trong khi đó, tỷ lệ này trong năm 2017 chỉ còn 27,7%.
Cách làm chủ động, sáng tạo
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm khẳng định, để đảm bảo chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội không cào bằng, việc đánh giá công chức thực chất là đòi hỏi rất quan trọng. Chính vì vậy, Sở Nội vụ đang nghiên cứu để xây dựng quy trình hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng quý, hàng năm thực chất và hiệu quả, làm cơ sở chi trả thu nhập tăng thêm.
Về cách làm mới của UBND huyện Nhà Bè, đồng chí Trương Văn Lắm nhận xét đây là cách làm chủ động, sáng tạo và phù hợp với quy định hiện hành. Đây là kinh nghiệm hay, cần được tham khảo trong việc xây dựng lại quy trình hướng dẫn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, Sở Nội vụ cũng có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm trong thực hiện đánh giá công chức ở một số địa phương.

Tin cùng chuyên mục