Tròng trành chợ nổi - Bài 2: Mai một nét văn hóa miền sông nước

- Xe về Trà Ôn cô hai ơi!
- Chợ nổi Lục Sĩ Thành ở Trà Ôn còn hông chú?
- Mở lộ, người ta lên bờ hết rồi cô ơi. Chợ nổi bây giờ hết nổi rồi!
Dứt lời, bác tài tuyến Bến xe miền Tây (TPHCM) - Bến xe Trà Ôn (Vĩnh Long) khoát tay chào, rồi lên xe đề máy đưa khách về Trà Ôn. Câu nói “Chợ nổi bây giờ hết nổi rồi!” khiến chúng tôi cứ băn khoăn mãi. Miền Tây mênh mông sông nước, không còn chợ nổi thì dân thương hồ đi về đâu?

Chợ nổi có hết nổi?

Chúng tôi tìm về chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp - chợ nổi lâu đời và có tiếng khắp các tỉnh Tây Nam bộ chứ không riêng gì với Hậu Giang. Nhà lồng chợ khang trang vừa xây chưa lâu, đường lộ Nam Sông Hậu xe chạy bon bon, chợ nổi Ngã Bảy giờ chỉ còn khoảng chục ghe trở lại. Một số ghe thương hồ dời qua chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), một số khác chọn cách lên bờ buôn bán. “Tui buôn bán ở chợ nổi Ngã Bảy này lâu rồi, từ hồi còn con gái. Giờ mở lộ, mở nhà lồng trên bờ nên vợ chồng tui cũng lên luôn. Buôn bán thương hồ hơn 20 năm nay cũng dư chút ít, làm vốn lên bờ buôn bán tiếp. Mối lái trong vườn, giờ chở thẳng trái cây ra chợ, còn chỗ nào đường nhỏ thì lấy chiếc lãi vô chở ra rạch rồi chất lên xe chở về nhà lồng”, cô Nguyễn Kim Kiểu (45 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho hay.

Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) đông ghe thương hồ neo lại, vẫn còn giữ nhiều nét đặc trưng của kiểu giao thương miệt vườn sông nước. Chợ buôn bán cả ngày, nhưng theo con nước, nhộn nhịp nhất là lúc 3 giờ sáng đến khoảng 8 giờ tối, mối lái khắp nơi đổ về lấy hàng, chủ yếu là bán sỉ. “Giờ mở lộ, mở chợ trên bờ nhiều, ai lên bờ thì lên bờ còn dân thương hồ quen buôn bán sông nước thì tìm qua chợ khác, chỗ này vợ chồng chú cũng mới neo lại, chứ hồi trước chú bán bên Ngã Bảy, nay bên đó vãn bớt rồi”, chú Sáu Ngà (ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết thêm. Tiếp lời chú Sáu Ngà, chú Năm Giao nói: “Ghe thương hồ giờ cũng ít hơn xưa nhiều lắm, người ta đi mần công nhân, mần ăn cái khác hết rồi, chứ buôn bán lo lời lo lỗ, lênh đênh sông nước cực nhọc lắm. Ai còn theo cũng phải buôn bán mấy chục năm hơn rồi, nên thành ra bỏ hông đặng như tui, buôn bán quen tay, lên bờ cũng hông biết mần cái gì”.

Tròng trành chợ nổi - Bài 2: Mai một nét văn hóa miền sông nước ảnh 1 Dì Bạch Thị Huệ và chú Hồ Thanh Phương mưu sinh ở chợ nổi Phong Điền
Ngược lên huyện Phong Điền (Cần Thơ), hỏi thăm ngã ba Trường Long để tìm chợ nổi Phong Điền, chỉ thấy dưới sông còn 2-3 chiếc ghe cũ kỹ neo đậu. Hỏi ra mới biết, bà con thương hồ đã tự động dời chợ nổi vào sâu khúc sông phía trên, chừng 200-300m. Chợ nổi Phong Điền hình thành khá lâu đời. Tuy nhiên, gần đây, khi địa phương đầu tư, nâng cấp lại bờ kè, một số tuyến đường giao thông nông thôn được mở ra thì chợ đã vắng bớt ghe thuyền. Cô Bạch Thị Huệ (49 tuổi, thương hồ chợ nổi Phong Điền) than: “Hồi xưa, chợ nổi ở đây sầm uất lắm. Hàng trăm ghe thuyền thương hồ mua bán trên kênh rạch, tấp nập một khúc sông dài, cỡ 700-800m lận.

Tui với chồng phải thức xuyên đêm bán hàng, từ 1 giờ khuya bán có khi đến chiều ngày hôm sau. Trái cây nhiều lắm. Bạn hàng tấp nập, xôn xao, náo nhiệt. Bây giờ ít hẳn, nguyên cái chợ nổi chỉ còn chừng 40 ghe thôi. Nhắc là nhớ, tiếc. Bạn hàng vãn dần, nhiều người bỏ nghề đi làm ở các khu công nghiệp, gia đình tui chỉ dám lấy ít trái lẻ bán qua vài ngày. Chợ giờ cũng chỉ buôn bán trong vài giờ, từ 5 giờ đến chừng 8 giờ sáng là tan”. Chú Hồ Thanh Phương (thương hồ chợ nổi Phong Điền) tặc lưỡi nói thêm: “Chợ nổi cũ hồi xưa nằm ngoài ngã ba, ghe thuyền neo đậu san sát rồi bị sà lan tông chìm không biết bao lần, mỹ quan khu vực chợ nổi cũng bị ảnh hưởng nên dân tụi tui mới dời vào bên trong này. Rồi khi địa phương xây bờ kè, phải nạo kênh rạch, nước sâu, dòng chảy mạnh, không ít ghe thương hồ bị lật, mất ghe, mất hàng, đứt vốn, khiến họ cũng nản, rồi bỏ nghề từ đó. Chợ bây giờ vẫn chưa ổn định nơi chốn cho người dân mua bán”.  

Trong trí nhớ của những thương hồ tại chợ nổi này, người ta vẫn chưa thôi quên câu chuyện “treo ghe” của gia đình anh Thanh Điền. Chú Hồ Thanh Phương kể, đó là một đêm mưa gió, khi đang neo đậu nơi ngã ba Trường Long, ghe anh Điền bị sà lan tông bể, vợ con cũng rớt xuống dòng nước sâu... Đêm hôm đó, nhiều người từ các thuyền ngụp lặn kiếm người, may mà cứu được. Không có bằng lái ghe tàu, vợ chồng anh Điền không được bồi thường là bao. Ngậm ngùi với nghiệp thương hồ mong manh, cũng từ đó gia đình anh Điền quyết định bỏ sông nước, bỏ nghề thương hồ, lên tuốt miệt Thốt Nốt mở tiệm tạp hóa sống qua ngày.

Quen mùi gạo chợ nước sông 

“Dì Hai ơi, bữa nay dì lấy nhiêu nè? Hổm rày, hàng chất lượng hông hà”; “Má Năm lựa đi, con cân cho nghen”; “Chú Ba đi chợ sớm hén? Chú neo tắc qua mạn bên này con chuyển hàng cho”; “Ủa, ngoại mới tới đó hả? Ngoại lấy nhiêu con cân hết cho ngoại nha”, tiếng cậu nhỏ 15 tuổi lanh lảnh khúc sông sáng sớm. Phía đầu ghe, má cậu đang chằng néo dây buộc cho khách, tía thì chuyển hàng không ngơi tay. “Thằng Đen con tui đó. Nó tên Phạm Văn Đen. Mới 15 tuổi thôi mà có duyên buôn bán hết sẩy, miệng mồm dữ lắm, giống tía nó. Ai cũng má, cũng ngoại, cũng dì…mặt mũi vui vẻ nên mua mau bán đắt lắm. Một mình nó bao hết 5-6 khách một lúc là chuyện thường. Vợ chồng tui còn sắm riêng cho nó một cái tắc ráng để đem hàng vô kênh, xáng bán lẻ cho bà con trong trỏng. Mèn ơi, chớ có hề mà đi lạc, dù trong đó kênh rạch mịt mùng. Mình cho ghe vô sau, nghe từ đầu kênh lanh lảnh tiếng rao bán là biết con mình chứ hổng ai. Thẳng nhỏ “yêu nghề” dữ lắm cô ơi…”, cô Nguyễn Thị Tiễn (48 tuổi) cười tít mắt nói về đứa con trai đầu của mình.

Đen học đến lớp 9 thì nghỉ, rồi khăn gói từ nhà ngoại ở An Giang theo tía má xuống sông nước buôn bán. Từ chợ nổi Long Xuyên ngược lên chợ nổi Cái Răng, nơi nào tía má đi là Đen theo. Em Đen là Phạm Văn Tân học lớp 5 cũng nghỉ học luôn, xuống ghe đoàn tụ cùng gia đình, sống chung cuộc đời thương hồ lênh đênh. Tía má Đen đã có hơn 15 năm sống đời sông nước như thế này. Ngày trước, ở trên bờ nhà làm gì có tấc đất nào, làm thuê làm mướn không đủ ăn nên cuối cùng tía má sắm chiếc ghe, theo nghề thương hồ rày đây mai đó mưu sinh, gửi tiền về cho anh em Đen học hành ở quê. Mấy tháng tranh thủ lấy hàng, tía má mới ghé được thăm hai anh em. Rồi, bỏ dở việc học hành có thêm cái chữ cho tương lai, anh em Đen chọn với cuộc sống vất vả sông nước nhưng có tía má. Xuống nước thì con chữ cũng mờ dần, những bài học cũng khuất luôn sau mấy cánh đồng, sau mấy con sông. Cái ghe tuềnh toàng cũ kỹ, mùa nắng mùa mưa gì cũng cực mà hai đứa nhỏ nào dám than. Anh em Đen trở thành dân thương hồ khi tuổi đời còn rất nhỏ nhưng “rất yêu nghề” như lời má Đen nói.

Nào chỉ có Đen, ở khúc sông Cần Thơ nơi chợ nổi Cái Răng ngày ngày đón khách du lịch hà rầm này còn có nhiều đứa trẻ chỉ vài tuổi đã theo tía má xuống ghe, theo nước lớn nước ròng mà rồi cũng lớn lên. Có đứa sinh ra, lớn lên trên ghe, học bơi nhiều hơn học chữ. Đứa nào may mắn có thêm cái chữ là khi tía má đăng ký cho đi học các lớp tình thương dọc các bến bạ. “Xong một đợt hàng, cho ghe về neo lại dưới chân cầu, là thằng con tui lại cho đứa cháu nội 6 tuổi lên bờ đi học. Con bé tên Ngọc Hân. Được chữ nào mừng chữ nấy thôi. Hồi xưa, năm nào con tui cũng được học sinh khá giỏi, nhưng nhà buôn bán bữa lời bữa lỗ, không đủ sức cho con đi học lên cao, hết lớp 5 là nghỉ luôn. Không được học tới nơi tới chốn, nên giờ nó mong con nó biết cái chữ là vậy đó”, cô Nguyễn Thị Phượng (thương hồ ở chợ nổi Cái Răng) kể. Sông nước vất vả đã gắn chặt cuộc đời của ba thế hệ nhà cô Phương. Đã không ít lần, gia đình cô nghĩ đến việc dành tiền để mua miếng đất trên bờ, nhưng cứ hết chuyến đi này đến chuyến đi khác, vẫn chưa thoát khỏi kiếp lục bình trôi dạt. Mùi sông, mùi nước vẫn níu chân cả gia đình.

Khi đường bộ thông thoáng hơn, xe tải chạy tới tận vườn mua hàng của nông dân, hàng hóa chuyển tới chợ cái ào, tiểu thương đến mua không còn vất vả đi ghe ra sông, những bạn hàng cũng bỏ nghề mua đi bán lại khi không cạnh tranh nổi trên bờ. Cuộc sống khó khăn, chuyện buôn bán hồi này đâu có còn thuận lợi như xưa, khiến nhiều người dù đã theo nghề thương hồ mười mấy năm cũng đành rẽ lối. Như chú Hai Quá (sống gần cầu Cái Sơn, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) người đưa ghe chúng tôi đi tham quan chợ nổi Cái Răng, trước đây đã từng là thương hồ trên chính chợ này. “Đời thương hồ trên sông cực khổ lắm, thức khuya dậy sớm. Khách trên thành phố như tụi con xuống cứ nghĩ nghề này phóng khoáng. Vậy chứ mà mỗi chén cơm đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, bằng những đêm thức trắng đi chuyển hàng. Hồi đầu đi buôn còn lời chút đỉnh, sau này hay lỗ vốn nên chú thôi. Hết sức hết làm nổi. Hết cách sống rồi chú mới chuyển qua đưa ghe khách du lịch tham quan. Cũng đời sông nước đó thôi, mà coi bộ đưa ghe như này chú để dành được chút đỉnh. Ngày đưa 3 chuyến ghe là đủ no”, chú Hai Quá kể.

Tin cùng chuyên mục