Tròng trành chợ nổi - Bài 1: Nhọc nhằn kiếp thương hồ

Chợ nổi - thương hồ, thương hồ - chợ nổi đã là 2 vế gần như không thể tách rời. Thế nhưng, khi làn sóng công nghiệp hóa trờ tới, khi những nhà lồng chợ khang trang được xây lên trên mặt đất, chợ nổi trở nên tròng trành.

LTS: Dọc theo dải đất hình chữ S của đất nước, không thiếu những con sông lớn nhỏ, nhưng nét giao thương miệt vườn sông nước chỉ có ở vùng đất chín rồng. Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, sông ngòi nối tiếp nhau đổ ra biển, văn hóa chợ nổi cùng đời sống của những ghe thương hồ hào sảng từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của miền đất Tây Nam bộ. Chợ nổi - thương hồ, thương hồ - chợ nổi đã là 2 vế gần như không thể tách rời. Thế nhưng, khi làn sóng công nghiệp hóa trờ tới, khi những nhà lồng chợ khang trang được xây lên trên mặt đất, chợ nổi trở nên tròng trành.

Theo con nước mà ghe thương hồ có mặt khắp nơi ở vùng Tây Nam bộ. Ngã năm, ngã bảy những con sông là nơi họp chợ, lấy hàng. Rạch con, rạch ngọn… những chiếc lãi, ghe nhỏ bắt đầu len lỏi bán lẻ hàng hóa cho từng gia đình sống cạnh con rạch, con kênh. Con nước lớn - ròng cứ thế mà đưa đẩy những ghe thương hồ “xuống bể lên nguồn - gạo chợ nước sông”.

Bến nào cũng là quê

 - Nay lên sớm hia, lấy như cũ ha? Bữa nay, chuối nải đẹp lắm nghen!
- Ừ! Lấy như cũ, có bớt tui hông?
- Ghẹo tui quài. Mối quen mấy năm nay mà, không nói thách đâu.
- Chất qua đi, lấy thêm mớ khóm nữa nha!

 Nghe xưng hô là đoán được ngay dân miệt Bạc Liêu lên. Cái duyên bán hàng nhiều khi nằm ở cách nói chuyện với mối lái. Dân miệt nào nói chuyện theo tiếng địa phương đó, họ khoái lắm. Chưa đầy 7 giờ sáng, chẹt (ghe lớn) chuối, khóm của vợ chồng chú Sáu Ngà đã vơi gần hết, cũng bởi cái miệng bán hàng dẻo quẹo, ngọt xớt của người đàn ông ngoài 50 này.

Cũng phải hơn 30 năm sống đời thương hồ chợ nổi, từ Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang) tới Ngã Năm (Sóc Trăng), nhưng mối lái của vợ chồng chú không mất một ai. “Ổng có duyên bán hàng lắm bây ơi. Hồi đó, theo ổng cũng tại mê cái miệng nói chuyện có duyên”, cô Ba Thơm (vợ chú Sáu Ngà) sau mui ghe nói vọng lên. Nghỉ tay sau một hồi tung hứng từng buồng chuối, mớ khóm qua ghe cho khách; trên chẹt, chuối với khóm cũng gần hết, chú Sáu Ngà bàn với vợ: “Chắc chiều nay vô vườn ông Năm quá!”. Cô Ba Thơm đang ghi chép lại sổ bạn hàng, trả lời chồng: “Hỏi thử ổng hay qua mấy vườn kế bên coi, lấy thêm khoai lang nữa nha ông”…

Tròng trành chợ nổi - Bài 1: Nhọc nhằn kiếp thương hồ ảnh 1 Nhịp sống thường ngày ở chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng)
Mới hơn 5 giờ sáng, trời còn tờ mờ, chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã nhộn nhịp. Nhìn từ xa thấy cây bẹo đã lủng lẳng mấy trái khóm vàng tươi, cùng mớ khoai lang. Xuồng chở khách cập lại, bước lên chẹt, cô chú đon đả: “Ngồi chơi chút, đợi cô kêu ghe bún, cà phê lại, ăn sáng với cô chú luôn nghen”. Lâu lâu có khách ghé chơi thì cô chú mời ăn sáng luôn một bữa, chứ buôn bán bữa đắt bữa ế, mấy khi mà dám ăn sang. Mời khách thì vẫn cứ mời, nhưng sau mui ghe nồi cơm đã nấu chín, nồi cá kho hôm qua còn dư cũng đã hâm lại. 
Hai vợ chồng quê tận Bạc Liêu, nội ngoại hai bên người mất người còn, ở lại quê thì cũng làm ruộng. Từ hồi cưới nhau, cô chú đã tính chuyện xuống ghe, buôn bán mần ăn, đến nay ngót nghét cũng phải 25-26 năm trời. Cô Hai Mến kể: “Có chuyến hàng thuận lợi hết thì cũng có lời để dành làm vốn, phòng thân lúc ốm đau rồi lo cho con cái. Suốt ngày lênh đênh sông nước, vợ chồng tui cũng chỉ sanh hai đứa. Canh gần tới ngày sanh thì lo sắm sửa đủ thứ, neo lại chỗ nào gần thị xã, trạm y tế chuyển dạ là mình lên liền. Mới đẻ còn non ngày, non tháng đâu có bán buôn gì được, ổng phải qua phụ mấy ghe khác kiếm cơm qua ngày, con lớn cứng cáp thì buôn bán lại. Tụi nhỏ lớn lên cứ đậu lại chỗ chợ nào thì cho theo học gần đó, sau này chợ nổi cũng thu hẹp bớt do mở lộ, mở nhà lồng trên bờ, phải dời ghe đi hết chợ này tới chợ kia, nên tui gửi luôn hai đứa về nhà bà dì ở Bạc Liêu để tụi nó đi học”. 

Khắp sông, rạch miền Tây nơi nào cũng có thể là bến, mà dân thương hồ quen gọi là “bến bạ”. Hễ chỗ nào gần đường ra sông lớn, nhưng khuất gió, tránh được tàu ghe lớn chạy qua, thì có thể neo lại đỡ vài ngày hoặc thậm chí cả tháng trời. Ngược xuôi theo con nước, nên “bến bạ” nào cũng có thể là quê hương. Thương hồ tứ xứ gặp nhau cũng như người một nhà. Đậu ở bến nào thì ghe nhỏ cập theo ghe lớn, để tránh gió, đau ốm thì chia nhau viên thuốc, trái cây, rau củ cũng chia phần mối lái với nhau.

“Mình dân tứ xứ gặp nhau, mà lại là anh em thương hồ nữa thì làm hiểm coi sao đặng, giúp được gì thì giúp hết. Sông nước miền Tây mênh mông, xuôi ngược gì cũng có ngày gặp lại, chào nhau tiếng hay ngồi ăn với nhau bữa cơm cũng là quý rồi”, chú Trần Văn Năm (một thương hồ tại chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng) tâm sự.

Cơm ghe bè bạn cũng là vậy. Mấy ghe dưa, đậu liền kề, tiếp đến là mấy ghe khoai, khóm, bắp… Vậy mà năm này qua tháng nọ, hiếm khi nào nghe gây cãi hay giành khách. Ghe này thiếu thì qua ghe kế bên mượn chút để cân cho mối lái. Ghe nào ế thì mấy ghe kế bên cũng lấy bán phụ. Bạn hàng với nhau, đối đãi như bát nước đầy, bởi thế mà cái nét hào sảng của dân thương hồ miền Tây không lẫn vào đâu được.

Tròng trành chợ nổi - Bài 1: Nhọc nhằn kiếp thương hồ ảnh 2 Chợ nổi ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC KHẢI
Bất trắc theo con nước

Đời gạo chợ nước sông tạo nên nét hào sảng của dân thương hồ miền Tây. Nhưng ẩn sau nét hào sảng đó là những câu chuyện đời mà nhiều người vẫn hay than thở bằng những câu thơ buồn: Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê. Chú Nguyễn Văn Ba (quê Kiên Giang) kể: “Có khi mấy chuyến hàng liền vừa bằng vốn là mừng húm, còn chuyến nào có lời thì để dành làm vốn, bù qua sớt lại vậy mà”.

Câu chuyện đời ngược xuôi của chú thím Ba còn chất chứa một nỗi buồn theo con nước. Sanh đứa con đầu lòng, nhưng vợ chồng chú vẫn ráng buôn bán, không dám nghỉ bữa nào, chú bán thì thím coi chừng con, cứ vậy mà thay phiên. “Bữa đó, khách tới lấy hàng một lượt nên hơi đông, thằng nhỏ chưa đầy 3 tuổi ngủ dưới ghe, vợ chồng lo bán, con dậy hồi nào không hay. Nó té sông, hơn 4 giờ sau, người ta mới tìm thấy nó …”, câu chuyện ngắt quãng tại đó, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt rám nắng của đôi vợ chồng tần tảo. 

Chúng tôi rời ghe cũng là lúc chú thím chuẩn bị nhổ sào, xuôi theo con nước về Miệt Thứ, thằng nhỏ sau độ chừng 11-12 tuổi đang phụ chú tính toán sổ sách. Sau mui ghe, thím cũng lục đục vo gạo vừa xong. Nghe chú tính: “Chú thím tính hết rồi, buôn bán đó giờ cũng để dành được chút đỉnh, lo cho nó sách vở, quần áo đến trường bằng bạn bằng bè, học hành mới có tương lai, chứ buôn bán thương hồ này cực lắm”.

Ở chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), ông Tư Bông (quê Kiên Giang) và vợ là bà Tư Khóm là những người thuộc kênh rạch, con nước trong lòng bàn tay. Lênh đênh lấy hàng từ chợ nổi này qua chợ nổi khác khắp các tỉnh; từ chợ vào vườn; từ chợ vào sâu kênh rạch; hết chở dưa hấu, khóm, xoài đi bán, đến chở các loại rau củ quả… ngót nghét mà 30 năm ròng. Ông Tư Bống nằm lòng từng khúc sông chảy xiết, từng ngã rẽ nguy hiểm. Ấy vậy mà, không ít lần suýt  chìm ghe, mất vốn. Ông kể, hồi trước đi lấy hàng cực lắm, phải chạy qua tỉnh khác, đi ghe xuống tới nơi mất 9 giờ, mua hàng rồi chở về mất thêm một ngày. Ngày mưa tạnh, nắng ráo không sao, mùa mưa bão ghe tròng trành như muốn lật. Trời mưa, gặp thêm con nước xoáy, phải vật lộn hàng giờ mới kịp neo ghe sát bờ. 

“Đang đêm chạy ghe lên, hai vợ chồng tui nào dám chợp mắt, căng thẳng từng chút. Mưa gió quăng tơi tả không báo trước, vật lộn lấy bạt dù che chắn hàng hóa, che xong cái ghe cũng ướt sũng, không còn một chỗ khô. Tui với ổng dầm mưa chịu rét suốt đêm. Đó là còn may giữ được hàng, chứ cũng có lần hàng hóa phải vứt bớt xuống sông. Xót lắm! Lời có bao nhiêu mà đi một trận vậy coi như sạch. Khổ cực là vậy, có hồi cũng lên bờ, về quê cũ nhưng được năm ba bữa lại nhớ ghe, quay lại mua bán. Sống trên bờ khó quá”, bà Tư Khóm tâm sự.

Những ngày lênh đênh trên các chợ nổi xuôi ngược miền Tây, nghe chuyện gió mưa, bất trắc của đời thương hồ, chúng tôi không khỏi xót xa. Chuyện sà lan trọng tải tông chìm ghe thương hồ không thiếu, chuyện dòng nước cướp đi người thương yêu của họ đây đó vẫn nhắc lại như một vết thương lòng không dứt.

Chợ nổi là hình thức nhóm chợ, mua bán trên sông, hàng hóa chủ yếu là các loại nông sản. Chợ nổi ở miền Tây Nam bộ được hình thành một cách tự nhiên, dựa trên nhiều yếu tố như: hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đường bộ hạn chế, tập quán giao thương của người dân cùng sự phát triển của nghề đóng ghe xuồng… Hiện tại, vùng ĐBSCL có một số chợ nổi với quy mô tương đối như Cái Bè (Tiền Giang); Cái Răng, Phong Điền (TP Cần Thơ); Ngã Năm (Sóc Trăng); Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang); Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau); Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… 

Tin cùng chuyên mục