Trong tà áo dài, thấy dáng hình đất nước

- Bây giờ nguyện vọng đầu tiên em mong muốn là gì?
- Hãy may cho em cái áo dài mới…
Nữ tình báo Trịnh Thu Nga (bí số 4B, J12, bí danh Út Huyền, Cúc) đã trả lời như thế với anh chị trong tổ chức, ngay sau khi được ra khỏi nhà giam của địch, năm 1975. Lúc này, bà vừa trải qua 7 năm dài khổ ải khắp các nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo… Người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé, trong người chi chít những vết thương, không cần tiền bạc hay bất cứ điều gì, ngoài một chiếc áo dài.
Nhà giáo Nguyễn Bình Minh gắn bó với áo dài từ lúc còn trẻ đến khi tuổi đã cao
Nhà giáo Nguyễn Bình Minh gắn bó với áo dài từ lúc còn trẻ đến khi tuổi đã cao

Băng qua khói lửa, thủy chung áo dài

Đến tận những ngày sau này, trong những buổi giao lưu được tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, có một câu hỏi mà các em vẫn không hình dung được là: “Nữ tình báo Trịnh Thu Nga bí mật giấu súng ở đâu khi nhiều lần vận chuyển trót lọt hàng chục loại vũ khí vào nội thành để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968?”. Khi nhận được đáp án “trong áo dài”, ai cũng ngạc nhiên, bởi không nghĩ chiếc áo mỏng manh như vậy lại trở thành phương tiện hoạt động cách mạng.

Bà Trịnh Thu Nga (82 tuổi, quê Bến Tre) từ năm 1956 đã làm việc ở tổ “Tốc ký nghị trường” trong vai trò thư ký Quốc hội, ghi lại nguyên văn các thảo luận về kế hoạch, ngân sách dành cho chiến tranh, các đối sách, kế hoạch hành quân, đàn áp cách mạng… Rất nhiều tin tức bí mật, có ích cho cách mạng thông qua bà đã được chuyển đến khu ủy. Trong mọi hoạt động lúc đó, chiếc áo dài đã gắn bó xuyên suốt cùng bà, lúc ở nghị trường, lúc vận chuyển vũ khí vào nội thành mà lính tráng không thể ngờ. Đến tháng 12-1968, khi chuẩn bị gửi tài liệu về khu ủy, bà bị bắt, cũng đang khoác trên mình chiếc áo dài. Chúng tra tấn dã man, chiếc áo dài thấm không biết bao nhiêu máu, nhưng bà nhất quyết không đầu hàng. Khi vết thương và những di chứng của đòn tra tấn còn đó, chiếc áo dài như một nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao của bà. Chiếc áo nhỏ xíu sau ngày hòa bình, trên thân hình của nữ tù nhân năm ấy vừa bước qua cánh cửa nhà giam, là câu chuyện tình yêu áo dài thiết tha từng khiến bao người nghe cảm động.

Đâu chỉ có bà Thu Nga, rất nhiều phụ nữ trong chiến tranh, son sắt thủy chung với áo dài. Họ mặc áo dài trên chính trường quốc tế, đi biểu tình, hội họp, trong trại giam… Chiếc áo không chỉ là vẻ đẹp mà còn trở thành biểu tượng của sự kiên cường. Tham gia phong trào thanh niên, học sinh - sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định từ năm 1960, cô Nguyễn Thị Phi Vân thường mặc áo dài đi rải truyền đơn và vận chuyển vũ khí trong nội thành. Tháng 5-1956, cô bị bắt và trong suốt 3 ngày đầu vẫn kiên quyết mặc áo dài, cho đến khi chiếc áo rách nát sau các đòn tra tấn. Ở trong tù, cô nhờ mẹ gửi áo dài vào và tự thêu những bông hoa nho nhỏ trên áo. Tới lúc ra tù, dù bị đánh đập thương tật đầy mình đến mức biến dạng, phù nề cả tay chân, cô vẫn may liền một chiếc áo dài, chỉ vì yêu áo dài vô cùng. “Dù còn ngần ấy thương tật, mình vẫn đẹp nhất khi mặc áo dài”, cô nói.

Đừng để áo dài là di sản của hôm qua

Theo bà Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên năm 1989: Trước đó, áo dài gần như vắng bóng ở trường học, công sở… Người ta gắn áo dài với điều gì đó xa xỉ, không ai nghĩ áo dài là di sản. “Cuộc thi Hoa hậu Áo dài lần thứ nhất nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng, báo chí trong và ngoài nước. Phong trào may, mặc, thiết kế áo dài trở lại. Các công sở, trường học, các cuộc thi, chương trình nghệ thuật giải trí… đều có sự xuất hiện trang trọng của áo dài”, bà Thế Thanh kể. Nói về hiện tại, bà Thế Thanh đánh giá rất cao những nỗ lực của các cơ quan ban ngành, những nhà thiết kế trong việc bảo tồn, tôn vinh giá trị áo dài truyền thống. Bà nhấn mạnh: “Với người dân mình, tôi mong mỏi đừng xem áo dài nhàm chán. Hãy xem áo dài là một nét đẹp văn hóa. Bảo tồn, lan tỏa giá trị của áo dài không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là của mọi người dân. Áo dài phải là một di sản có sức sống lâu bền, chứ đừng để trở thành một di sản của ngày hôm qua”.

Trong tà áo dài, thấy dáng hình đất nước ảnh 1 Dáng quê hương (họa sĩ Đoàn Quốc) dùng chất liệu màu nước 
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài (quận 9, TPHCM), nhận định, thực tế đời sống xã hội bây giờ, những lãng quên, xa dần chiếc áo dài cũng đã hiển hiện. “Khi bảo tàng chúng tôi tiếp nhận áo dài xưa, cũ từ các cựu tù chính trị, nhà giáo, nhà văn hóa, nghệ sĩ… không cần nói cũng có thể hiểu người ta yêu áo dài nhiều thế nào. Tuy nhiên, nếu bảo rằng ai cũng yêu và gắn bó với áo dài thì chưa. Tôi không thất vọng khi nhiều người dân mình chưa có thói quen mặc áo dài, bởi thực tế có nhiều lựa chọn về trang phục và áo dài chỉ là một lựa chọn. Rồi đến một ngày, người ta hiểu, sẽ yêu. Không mặc được hàng ngày thì đến những ngày lễ quan trọng, hãy mặc áo dài. Là người Việt Nam, ít nhất một lần trong đời hãy mặc áo dài”, bà Ngọc Vân trải lòng. 

Chúng tôi từng thấy ở Huế, có cụ già mặc chiếc áo dài nâu cũ kỹ ngồi bán tạp hóa; có cụ già bán vé số mặc áo dài đi qua những con đường, không mỏi mệt. Chúng tôi cũng từng thấy, những ngày cận tết năm nọ, khi phố phường khoác lên tấm áo mùa xuân rực rỡ, ở góc nhỏ đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM) là hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc áo dài đỏ nhảy múa trong điệu nhạc mùa xuân. Người ta nói chú khùng… Nhưng, chúng tôi thấy họ đẹp trong chiếc áo dài. Bao nhiêu khiếm khuyết hình thể, tuổi tác không ảnh hưởng chút nào đến nét duyên, đến cái tình thầm lặng họ dành cho chiếc áo. Mà cũng bởi, áo dài đâu dành cho riêng ai. Mặc áo dài là cách nhớ về nguồn cội, quê hương, để neo lại truyền thống. Từ bao giờ chúng ta cũng đã dành riêng cho mình những chiếc áo quê hương kia mà.

Tin cùng chuyên mục