Trồng sen, thoát nghèo

Với sự tận tụy, siêng năng và không chùn bước trước khó khăn, thử thách, chị Nguyễn Thị Lan (50 tuổi, ngụ phường Long Phước, quận 9, TPHCM) - là hộ khó khăn về kinh tế - đã chọn cây sen (ảnh) làm hướng đi chính để gia đình sản xuất vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Chị Lan kể: “Từ năm 2000, tôi đã trồng sen nhưng không nhiều. Lúc đó, gia đình thuộc diện khó khăn. Tôi chỉ làm nông, chồng làm phụ hồ. Do đó, để có thể tạo dựng cho gia đình một cái nghề ổn định, có điều kiện nuôi 2 con ăn học, năm 2010 tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo kênh của Hội Nông dân phường để đầu tư nuôi heo”. 
Sau khi được vay vốn, chị Lan gầy dựng đàn heo với 5 con nái và gần 50 heo lứa. Nhưng số mệnh như thử thách lòng kiên trì của chị, sau vài năm gầy dựng, đàn heo của chị Lan bị dịch bệnh chết hết, khiến chị đổ nợ. Thất vọng và lo lắng dồn dập, chị không biết phải làm gì để trả nợ. May mắn lúc đó, chị Lan được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân phường động viên, tạo điều kiện giúp chị mạnh dạn mượn đất trồng sen, theo mô hình “Cho mượn đất bỏ hoang làm kinh tế, thoát nghèo bền vững” của Hội LHPN phường Long Phước triển khai thông qua việc kết nối hội viên nghèo với những chủ đất, giúp phụ nữ thoát nghèo. 
Vậy là, được sự hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương, chị Lan đã mạnh dạn chọn cây sen để trồng từ năm 2013 đến nay. Chia sẻ về thời gian đó, chị nhớ lại: “Heo chết, tôi phải cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay tiền trả nợ. Nhưng cũng không đủ vào đâu, mà con càng ngày càng lớn, tiền học hành ngày càng nhiều, chi phí ngày một cao… Nhìn các con, tôi không thể ngã quỵ và lại dặn lòng không được bỏ cuộc, phải tìm cách mở ra cho mình con đường mới, chỉ có như vậy mới thấy được ánh sáng thôi. Thế là tôi trồng sen. Bởi trước khi lập gia đính và theo chồng lên TPHCM, tôi sống ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), hơn 10 tuổi thì tôi đã biết lội đầm móc ngó sen phụ cha mẹ. Vì thế, giờ qua những cảnh gian nan, tôi quay lại bám nghề trồng sen như thể duyên nợ vậy”. 
Trồng sen, thoát nghèo ảnh 1
Để thuận tiện cho việc sản xuất, chị Lan dựng căn chòi nhỏ ở ven đầm, vừa trông chừng sen, vừa trồng thêm rau nhút, cải, bồn bồn để bán. Chị ở chòi này nhiều hơn ở nhà, thường thì 7 - 8 giờ tối chị vẫn còn lội dưới đầm sen. Có thể nói nhờ “ăn cùng sen, sống cùng sen” như vậy, nên khi hỏi về kinh nghiệm trồng sen, chị cho biết sen là cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thích hợp với vùng đất thấp, trũng, nhiều bùn sình; sau 2 tháng trồng có thể bắt đầu thu hoạch ngó. Trồng sen không chỉ bán được ngó, gương sen mà còn cả lá sen. Về thời gian thu hoạch kéo dài 5 - 6 tháng, còn thời gian trồng bắt đầu từ tháng 2 âm lịch đến tháng 8 âm lịch là kết thúc. 
Chị Lan chia sẻ thêm, chi phí đầu tư cho 1ha sen trung bình khoảng 10 triệu đồng/vụ; năng suất bình quân khoảng 3 - 3,5 tấn/ha/vụ; giá bán khoảng 10.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được 20 - 25 triệu đồng/ha/vụ. “Cây sen là “người bạn” đồng hành giúp gia đình tôi trả nợ, nuôi con ăn học. Cũng nhờ sen tôi đã vươn lên thoát nghèo và cải thiện kinh tế gia đình, hiện tôi đã xây được nhà mới, có điều kiện lo cho các con tốt hơn”, chị Lan bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục