Trong năm 2020, EVN đã sản xuất và nhập khẩu 247,08 tỷ kWh

EVN khẳng định, quy mô hệ thống điện Việt Nam đang đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN và thứ 23 của thế giới, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. 

Sáng 12-1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới dự hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sáng 12-1

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn của EVN trên toàn hệ thống đạt 69.300MW điện (tăng gần 14.000MW so với năm 2019). Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW, chiếm tỷ trọng 25,3% toàn hệ thống.   

EVN khẳng định, quy mô hệ thống điện Việt Nam đang đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN và thứ 23 của thế giới, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. 

Trong năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống là 247,08 tỷ kWh (tăng 2,9% so với năm 2019). Trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 239,12 tỷ kWh (tăng 3,62% so với năm 2019). Lượng điện thương phẩm của EVN là 216,95 tỷ kWh (tăng 3,42% so với năm 2019).

Đáng chú ý, để chung tay cùng cả nước ứng phó, phòng chống đại dịch Covid-19, EVN đã triển khai 2 đợt giảm giá và giảm tiền điện với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao bằng khen của Chủ tịch nước cho các tập thể, cá nhân của EVN

Phát biểu tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Đến nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 29.638 MW, chiếm khoảng 43% công suất đặt của toàn hệ thống (69.300 MW). Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.

Chủ động phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện (than, khí, dầu) và đáp ứng đủ điện cho sản xuất của các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh đạt và vượt mục tiêu đề ra của EVN. Năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, tài chính, đảm bảo công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi (lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng, vượt kế hoạch, nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng). Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% - vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%); hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển. EVN cũng đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Phó Thủ tướng cho rằng, công tác dịch vụ khách hàng của tập đoàn này đã được nâng cao, cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia; nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời thực hiện hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện; thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện, đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (với tổng giá trị đầu tư đạt 88.400 tỷ đồng); thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo...

Công nhân điện lực ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đội mưa giá rét và băng tuyết để khắc phục sự cố thiên tai ảnh hưởng lưới điện từ ngày 8-1 đến 11-1 ở xã Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EVN cần phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hội nhập quốc tế. Sản xuất kinh doanh điện năng, tư vấn điện có hiệu quả, phát triển bền vững. Nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực và thế giới.  

Tin cùng chuyên mục