Trồng lúa “né” mặn

Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) được các tỉnh ĐBSCL triển khai. Các giải pháp này phù hợp với những thay đổi tự nhiên và các biến động thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. 

Mới nhất, nông dân ĐBSCL đã tận dụng công nghệ để sản xuất lúa thông minh, vừa tiết kiệm nước, vừa “né” được nước mặn xâm nhập, giảm lượng nước ngọt… 

Giữa cái nắng chói chang của tháng 4-2019, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn công tác tỉnh Hậu Giang đi tham quan các điểm quan trắc và cánh đồng trồng lúa thông minh tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh). Đây là một trong hàng chục đoàn khách tham quan đến tìm hiểu về nông dân Tiểu Cần sản xuất lúa theo hình thức “tưới ngập - khô xen kẽ, ứng dụng cảm biến thông minh kết nối với điện thoại di động để theo dõi và điều khiển mực nước tưới trong suốt quá trình phát triển của cây lúa”. 

Tại đây, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định: “Cái hay của mô hình này là bón phân thông minh (chỉ một lần bón), ứng dụng công nghệ để đo mặn trong nước; có hệ thống quan trắc mực nước để thông quan điện thoại điều khiển bơm - rút nước hợp lý cho sự phát triển của cây lúa. Đây được xem là mô hình sản xuất lý tưởng để thích ứng với bối cảnh BĐKH hiện nay”. 

Được biết, hiện có trên 50 nông dân ở huyện Tiểu Cần cùng tham gia sản xuất theo mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là giúp nông dân tiết kiệm được lượng nước tưới không cần thiết. Để triển khai mô hình, Tập đoàn Mỹ Lan đã hợp tác với nông dân địa phương bàn giao nhiều thiết bị quan trắc (Rynan Technologies) để đặt trên sông Cổ Chiên, sông Láng Chim… Rynan Technologies là 1 trong 3 dự án khởi nghiệp, tạo ấn tượng từ việc ứng dụng điện thoại thông minh kết nối trực tiếp vào phao quan trắc để nông dân ở các vùng cửa sông bị xậm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, chọn thời điểm thích hợp lấy nước tưới. Nhờ vậy, việc sản xuất lúa thuận lợi hơn.

 Trực tiếp tham quan mô hình, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tỉnh mong muốn hợp tác với tập đoàn xây dựng cánh đồng lúa thông minh tại huyện Vị Thủy khoảng 100ha trong thời gian tới; hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp xây dựng cánh đồng lúa thông minh 68ha tại huyện Châu Thành A”. 

 ĐBSCL hiện có gần 1,7 triệu ha đất trồng lúa. Trong đó có khoảng 300.000 - 400.000ha đất trồng lúa chịu ảnh hưởng của hạn mặn vào mùa khô. Xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng lấn sâu vào nội đồng, việc ứng dụng điện thoại thông minh kết nối với các phao quan trắc đặt ở các nhánh sông là công cụ hỗ trợ thiết thực và khả thi nhất để nông dân trồng lúa thích ứng với BĐKH.

Tin cùng chuyên mục