Trong khó khăn, điều tốt vẫn nở

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn suốt thời gian dài, địa hạt vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn TPHCM vẫn xuất hiện những đóng góp, những việc tốt lặng thầm của đội ngũ nhà xe, nhân viên hoạt động trong ngành xe buýt.
Hành khách đi xe buýt tuyến 01. Ảnh: CAO THĂNG
Hành khách đi xe buýt tuyến 01. Ảnh: CAO THĂNG

Những việc tốt lặng thầm

Vào lúc 20 giờ 15 ngày 9-7-2020, chị Phạm Ngọc Loan, tiếp viên xe buýt số 51B-305.17 chạy tuyến Bến xe buýt Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn, mã số tuyến 150 do HTX Vận tải 19-5 khai thác, nhặt được chiếc ví của hành khách làm rơi trên xe. Kiểm tra, thấy trong ví có hơn 2 triệu đồng tiền mặt, chứng minh nhân dân và một số giấy tờ tùy thân khác. Bến xe buýt Chợ Lớn đã tiếp nhận vụ việc và chưa đầy một tiếng sau, toàn bộ tài sản, giấy tờ đã được trao trả lại cho hành khách đánh rơi.

Trên chuyến xe buýt 51B - 056.73 cũng thuộc HTX Vận tải 19-5 hoạt động tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Tân Quy, mã số 122 khởi hành lúc 5 giờ 30 sáng 21-3-2020, tiếp viên Thái Thị Mềm nhặt được số tiền 15,7 triệu đồng của hành khách làm rớt trên xe. Cùng ngày, một người dân ngụ tại Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi đến Bến xe An Sương báo đánh rơi số tiền trên. Xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả bằng công cụ camera giám sát trên xe buýt, các thủ tục giao nhận tiền đánh rơi trên xe buýt đã được trao về đúng chủ nhân của nó.

Trong chuyến xe sáng 12-5, nhân viên Văn Ngọc Nhung của xe buýt số 51B - 304.04 lộ trình Bến xe buýt Sài Gòn - Thạnh Lộc, mã số tuyến 03 đã đến Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn - Công viên 23-9 trình báo với ban điều hành về việc có hành khách để quên túi xách trên xe buýt. Những cán bộ ở Bến xe buýt Sài Gòn đã tìm được chủ sở hữu chiếc túi xách bị bỏ quên và bàn giao lại hành khách. Trong túi xách bỏ quên trên xe buýt hôm ấy, có nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng và vật dụng có giá trị: một máy tính xách tay HP, sạc pin, tiền mặt…

Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn ngành xe buýt thành phố đã ghi nhận 20 trường hợp có thể xem là diện “Người tốt - Việc tốt” tương tự các trường hợp nêu trên. Các trường hợp ấy dàn trải trên hàng loạt đơn vị hoạt động ngành xe buýt, mà tiêu biểu có thể nhắc đến Hợp tác xã Vận tải 19-5, Hợp tác xã Vận tải du lịch Thanh Sơn, Công ty cổ phần Vận tải thành phố, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn…

Thắp lên những ngọn lửa

Ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết, loại hình vụ việc thuộc diện “Người tốt - Việc tốt” trong ngành xe buýt thành phố khá đa dạng, góp phần giữ gìn an ninh an toàn không chỉ trên xe buýt mà còn trong xã hội, góp phần lặng thầm vào việc phát triển VTHKCC trên địa bàn… Phó giám đốc Lê Hoàn nhấn mạnh: “Những việc làm tận tâm, hảo ý và đầy ý thức trách nhiệm của đội ngũ lái xe, nhân viên xe buýt đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hình ảnh nhân viên xe buýt trong mắt người dân nói chung, để lại ấn tượng đẹp trong lòng hành khách nói riêng”.

Những việc làm đầy thiện ý, tận tâm như đã diễn ra thời gian qua của anh chị em tài xế, nhân viên phục vụ trên các tuyến xe buýt chạy khắp thành phố, đều được thực hiện rất vô tư, hồn nhiên và không đòi hỏi được đền đáp, khen thưởng từ người dân và các cấp thẩm quyền. Dù vậy, không ít trường hợp “Người tốt - Việc tốt” trong ngành xe buýt thành phố được lãnh đạo Sở GTVT TPHCM hoặc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng tuyên dương khích lệ kịp thời và đúng mực. Như lời của Phó giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng, những gương điển hình ấy cần được ghi nhận và biểu dương bởi tính trung thực, ý thức trách nhiệm của nhân viên xe buýt. Đó là tấm gương cho toàn thể đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ xe buýt toàn thành phố noi theo.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Lê Hoàn nhận xét, với thời gian lao động bình quân 10 tiếng/ngày của nhân viên ngành xe buýt, cả tài xế lẫn tiếp viên và sự phức tạp đặc trưng trong giao thông đi lại của thành phố, địa hạt VTHKCC bằng xe buýt rõ ràng vẫn xuất hiện những tấm gương sáng về sự tận tâm, nghiêm túc, ý thức trách nhiệm, có lòng với nghề nghiệp, biết đặt sự an toàn, an ninh của hành khách và người dân lên trên hết. Đó là điều đáng khen và đáng được ghi nhận. Những gương điển hình ấy cần được phổ biến như là ngọn lửa nhóm lên để được lan truyền rộng rãi.

Chúng ta không phủ nhận tai nạn hoặc sự cố liên quan đến xe buýt vẫn xảy ra, nhưng thực tế lắm lúc người ta quên hoặc thiếu khách quan khi không nhìn lại, chỉ rõ căn nguyên, nguồn cơn dẫn tới những vụ ấy. Bởi lắm khi phần lỗi trong các vụ tai nạn thực chất không phải hoặc không bắt nguồn từ xe buýt mà từ những phương tiện, chủ thể khác, kể cả nạn nhân vụ tai nạn. Cách đây hơn một năm, tại trạm Chợ Bờ Ngựa, một đôi nam nữ bước lên xe buýt 53N-4301, mã số tuyến 102, chạy lộ trình Bến Thành - Nguyễn Văn Linh - Bến xe miền Tây, do Công ty TNHH Vận tải TPHCM khai thác.

Khi xe buýt đang lăn bánh, 2 hành khách này liên tục mở cửa sổ kính bất kể xe buýt đang bật máy điều hòa cũng như tiếp viên nhiều lần nhắc nhở. Trước sự phớt lờ của khách, tiếp viên phải tự đóng cửa kính lại. Không nhận thức được hành vi sai trái này, đôi nam nữ còn to tiếng với tiếp viên. Vấn đề bị đẩy đi xa hơn khi nữ hành khách lao tới bóp cổ tiếp viên để rồi xảy ra xô xát giữa đôi bên. Chưa hết, nữ hành khách còn cầm một vật nhọn định đâm tiếp viên vào lúc họ xuống xe buýt. Nếu tiếp viên không kịp thời né tránh, chắc hẳn đã đổ máu.

Tin cùng chuyên mục