Trông chờ bản lĩnh đại biểu dân cử

Hôm nay 19-10, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội và 63 điểm cầu trên toàn quốc. Trong phiên họp này, Quốc hội sẽ không tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề mà sẽ lựa chọn “bất kỳ vấn đề gì thấy còn chưa làm được so với các nghị quyết đã đề ra”. Điều đó có nghĩa là lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải chuẩn bị tinh thần để đăng đàn, giải trình về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực mình chịu trách nhiệm. 

Thực tế, những thành tựu to lớn của toàn bộ hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 2016-2020 là không thể phủ nhận. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng… Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; thậm chí có những hạn chế kéo dài nhiều năm.  

Báo cáo tập hợp ý kiến cử tri cho thấy, cử tri còn băn khoăn về chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư công; việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công khá chậm so với yêu cầu đề ra; cân đối thu, chi ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tăng trong khi công cụ quản lý, giám sát nợ nước ngoài chưa thật sự hữu hiệu; đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận người lao động, người dân gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị; việc triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm… 

Trong số nhiều vấn đề cụ thể mà các vị đại biểu đã nêu tại nhiều kỳ họp trước, vẫn còn không ít việc dở dang, chưa được xử lý triệt để. Đơn cử, phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam chưa được trình; việc vận hành, quản lý các dự án giao thông BOT còn nhiều vướng mắc; tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng quá chậm; sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục là những từ khoá “nóng”; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; an toàn thực phẩm chưa đảm bảo… Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang hướng về miền Trung, tập trung tối đa nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, thì những câu hỏi nhức nhối về giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa lũ là không thể không đặt ra. Trong đó có tăng cường sức chống chịu của đô thị và nông thôn trước thiên tai; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế. 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trước khi quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ theo dõi một phóng sự được thực hiện trong quá trình đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát về an ninh nguồn nước; quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực. Đây cũng đang là vấn đề được coi là nóng hiện nay khi mà mưa lũ ở miền Trung đang diễn ra rất thảm khốc, mà một trong những nguyên nhân được nhắc đến là vấn đề xây dựng thủy điện. Trước đó, tại phiên họp tháng 9 của UBTVQH, đoàn giám sát do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo và có giải pháp tổng thể cũng như nguồn lực đủ mạnh. Đoàn giám sát và một số thành viên UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ 10 để bố trí ngân sách đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trước mắt là 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng và sau đó là hàng ngàn hồ chứa khác, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; đồng thời phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro “lũ chồng lũ”.

Trong một năm mà nền kinh tế có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ họp cuối cùng của năm 2020 sẽ là dịp để chúng ta không chỉ nhìn lại, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế của năm mà còn cả giai đoạn 2016 - 2020. Những tồn tại trong các lĩnh vực được chất vấn nếu được giải đáp thỏa đáng và đưa ra được phương hướng xử lý tốt sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam có sự thay đổi tích cực trong giai đoạn tới. Do đó, nhân dân và cử tri cả nước đều hướng đến kỳ họp thứ 10 được khai mạc hôm nay với mong muốn các đại biểu dân cử sẽ thực sự phát huy được bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước những vấn đề nóng bỏng mà nhân dân, cử tri cả nước gửi gắm, đặt niềm tin.

Tin cùng chuyên mục