Trồng cao lương để chống chọi hạn hán

Tại Saint-Escobille, gần thủ đô Paris của Pháp, trong khi hạn hán khiến những cánh đồng ngô trở nên khô cằn, xác xơ thì những cây cao lương vẫn phát triển tươi tốt và cho năng suất cao.
Ông Eudes Coutte trên cánh đồng cao lương tại Saint-Escobille. Ảnh: REUTERS
Ông Eudes Coutte trên cánh đồng cao lương tại Saint-Escobille. Ảnh: REUTERS

Cách đây 4 năm, ông Eudes Coutte và em trai bắt đầu trồng cây cao lương, một loại ngũ cốc ít được biết đến tại châu Âu, nhưng lại khá phổ biến ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cao lương cung cấp nguồn nguyên liệu không chứa gluten, nguyên liệu làm mì (pasta) và thậm chí là để sản xuất bia. Theo ông Coutte, cây cao lương có nhiều lợi thế: giàu protein, chứa 8 trong số 9 amino acid thiếu yếu, có đặc tính không cần tưới nước, không đòi hỏi thuốc trừ sâu và chỉ cần 1/3 lượng phân bón so với các loại lúa mì thông thường. 

Đứng trên cánh đồng cao lương tại Saint-Escobille, cách thủ đô Paris khoảng 75km về phía Nam, ông Coutte nhấn mạnh, giống cây ngũ cốc này mang tới hình thức canh tác nông nghiệp mới, bền vững hơn vì bảo tồn các nguồn tài nguyên. “Chúng ta phải nghĩ về nền nông nghiệp trong tương lai và cách thức chúng ta sản xuất lương thực mà không sử dụng lượng nước lớn”, ông Coutte nói.

Người đàn ông 40 tuổi này dự đoán sản lượng cao lương năm 2022 có thể chịu tác động do tình trạng khô hạn trầm trọng, giảm xuống còn khoảng 3-4 tấn/ha so với năng suất 5-6 tấn/ha như những năm trước đây. Dù vậy, ông Coutte khẳng định, cây trồng không đòi hỏi nước tưới ở miền Bắc sông Loire này là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hạn hán hoành hành trên khắp nước Pháp, dẫn tới hàng loạt biện pháp hạn chế sử dụng nước. 

Để nông trại phát triển bền vững hơn, ông Coutte đã đầu tư cối xay đá để xay một phần cao lương thu hoạch được thành bột không chứa gluten. Phần còn lại, ông bán dưới dạng ngũ cốc có thể nấu chín và ăn như đậu lăng. Anh em nhà Coutte cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho loại cây trồng của mình. Thời gian tới, họ dự định bắt tay với các đối tác địa phương để phát triển một loại bia làm từ cao lương, bít-tết cao lương chay và nhiều sản phẩm đa dạng khác.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, với việc nhiều nông dân tại Pháp đang chuyển hướng sang canh tác cây cao lương như anh em nhà Coutte, sản lượng cây trồng này đã tăng từ 244.000 tấn lên gần 400.000 tấn trong giai đoạn 2016-2021. Trong khi đó, trên quy mô toàn châu Âu, sản lượng ước đạt gần 800.000 tấn trong giai đoạn 2021-2022. Hiện chỉ có 25% trong số này được người dân sử dụng, phần còn lại được dùng làm thức ăn chăn nuôi. 

Chuyên gia Vincent Braak tại Công ty Phân tích và dự báo ngành nông nghiệp Strategie Grains, cho rằng dù vẫn đang phải cạnh tranh với ngô và các loại ngũ cốc khác, nhưng cây cao lương đang dần có chỗ đứng tại châu Âu những năm gần đây. Khi mà mùa hè ngày càng nắng nóng hơn, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều nông dân chuyển sang canh tác giống cây trồng này.

Theo Hãng tin DW, phần lớn khu vực châu Âu và Bắc bán cầu đang phải đối mặt với nắng nóng và hạn hán, mực nước đang xuống thấp, nhiều nơi phải hạn chế sử dụng nước… Tình trạng khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp cho đến ngành vận tải hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục