Trợ lực điều trị Covid-19

Bộ Y tế cùng với TPHCM và các tỉnh phía Nam đã và đang khẩn trương xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến, trung tâm cấp cứu hồi sức tích cực, phân tầng bệnh viện, huy động và tăng cường nhiều y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành tới các “điểm nóng” để bảo vệ người dân trong trận chiến vô cùng khốc liệt này. 

Ứng phó với diễn biến thay đổi hàng ngày của dịch, nhất là khi số F0 nặng tăng cao, ngành y tế buộc phải chia nhóm nguy cơ, phân tầng bệnh viện phù hợp từng đối tượng và có phác đồ điều trị riêng để đạt kết quả cao nhất. Ngoài phác đồ điều trị được Bộ Y tế thống nhất áp dụng cho hệ thống bệnh viện, các loại thuốc đặc trị mới thế giới đang sử dụng, các phương pháp Đông Tây y phối hợp cũng được xem là phương pháp điều trị mới, nhằm tăng khả năng phòng chống Covid-19. 

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân với nỗ lực riêng đã tìm nguồn thuốc điều trị, trợ lực cho ngành y tế chống dịch. Gần đây, một tập đoàn đã đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt 500.000 lọ Remdesivir để trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8 và Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam 1 triệu liều Remdesivir cũng đã mang lại tín hiệu tích cực trong điều trị Covid-19. Bởi lẽ, Remdesivir là thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng và khoảng 50 quốc gia đã đưa vào phác đồ điều trị. Đây vẫn là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Trước việc chúng ta sắp có thuốc Remdesivir, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào đầu tuần đã khẳng định, ngay khi Remdesivir về Việt Nam, Bộ Y tế sẽ rút ngắn quy trình, cấp phép sử dụng nhanh nhất có thể và sử dụng luôn cho các bệnh nhân Covid-19. 

Có thể thấy, trong quá trình điều trị Covid-19, việc kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền được ngành y tế và nhiều địa phương rất quan tâm ứng dụng nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị và dự phòng. Thực tế, các bài thuốc đông y, y học cổ truyền đã được dùng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, khi Cục Quản lý y dược cổ truyền gần đây ban hành công văn về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền, kèm theo danh mục 12 sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số đơn vị sản xuất trong nước, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, cơ quan quản lý đã tiếp tay cho doanh nghiệp trục lợi từ dịch bệnh. Mới đây, trên cơ sở thực tế điều trị hiệu quả của một số bác sĩ đầu ngành, Sở Y tế TPHCM đã có công văn gửi các bệnh viện điều trị Covid-19 về việc mua 2 loại thuốc kháng viêm và kháng đông để phục vụ công tác điều trị, nhưng ngay sau đó công văn này được thu hồi. Ở góc nhìn khác, cũng có không ít ý kiến cho rằng điều này có thể làm đội ngũ trực tiếp chống dịch rụt rè, tiến thoái lưỡng nan. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp và căng thẳng, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua đã thống nhất cho phép Chính phủ, Thủ tướng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch Covid-19 như: áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất. Với mục tiêu cao nhất hiện nay là giảm tối đa số người tử vong do Covid-19, công tác điều trị rất cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn của xã hội, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cùng với đó cũng rất cần sự mạnh dạn, đột phá về các quy định, quy chế và phương pháp điều trị, để chúng ta cùng chống dịch thành công.

Tin cùng chuyên mục