Trở lại Lèn Hà

Hang Lèn Hà (bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là nơi 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin liên lạc A69 đã hy sinh. Đầu tư hạ tầng làm thay đổi bộ mặt xã biên giới.
Dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin liên lạc A69 hy sinh tại hang Lèn Hà
Dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin liên lạc A69 hy sinh tại hang Lèn Hà

Địa chỉ hành hương

Từ năm 2004 trở về trước, Lèn Hà là vùng núi biên giới ít người biết đến, muốn vào đây phải lội bộ hơn 10km đường rừng lầy lội, lên khu vực hang phải trèo giữa bụi rậm. Năm 2005, PV Báo SGGP được cán bộ xã Thanh Hóa, ông Hoàng Minh Chính, cùng người dân bản địa Phạm Tiến Văn dẫn lên Lèn Hà trong một chiều mưa rừng, để viết bài báo “Chuyện ở Lèn Hà 33 năm trước”.

Nay trở lại Lèn Hà, được gặp thầy giáo Nguyễn Đình Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Sơn, người luôn đưa các bài giảng về Lèn Hà vào giờ sinh hoạt ngoại khóa. Thầy Ngọc kể: “Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ TT-TT, các cấp ban ngành đã quan tâm để Lèn Hà được là di tích lịch sử quốc gia như hôm nay. Đó là khúc tráng ca được Báo SGGP tạo dấu gạch nối để cả nước biết đến Lèn Hà”.

Ông Hoàng Minh Chính, cán bộ tư pháp xã Thanh Hóa, xúc động nói: “Trạm thông tin A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hơn cả mong muốn, bởi sự ghi nhận ấy làm cho Lèn Hà thêm thiêng liêng với người dân xã Thanh Hóa”.

Cứ mỗi tháng 7, tháng của tri ân, Trường Tiểu học Bắc Sơn và các trường học khác trong vùng của xã Thanh Hóa, Lâm Hóa, Hương Hóa… đều đưa học sinh đến thắp nhang tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc. “Lèn Hà đã trở thành địa chỉ đỏ cho cả vùng biên giới huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Các thế hệ học sinh tỏ lòng ghi nhớ sâu sắc trước các liệt sĩ ngã xuống để có hòa bình như hôm nay. Lèn Hà còn là địa chỉ hành hương cho rất nhiều người”, thầy giáo Nguyễn Đình Ngọc nói.

Đổi thay xã biên giới

Thầy giáo Nguyễn Đình Ngọc cho hay: “Lèn Hà từ đó đến nay được nhắc nhớ mỗi năm. Người hành hương qua lại cũng đông hơn. Người miền xuôi lên với Lèn Hà cũng nhiều hơn, với nén hương thắm nghĩa, có tiếng chuông thắm tình. Cũng từ đó, kinh tế - xã hội xã Thanh Hóa phát triển hơn trước. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đầy đủ, con em xã Thanh Hóa được học hành chu đáo. Cả vùng Thanh Hóa ai cũng khắc ghi Lèn Hà trong mỗi gia đình, nên càng phấn đấu làm ăn thoát nghèo nhằm không phụ lòng các liệt sĩ đã ở lại với bà con 50 năm qua”. 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, hang Lèn Hà là một trong những điểm di tích lịch sử trong hệ thống Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh. Những năm qua, huyện Tuyên Hóa phối hợp với Lữ đoàn 134 xây dựng, trùng tu, tôn tạo một số hạng mục công trình tại khu Di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà, nhằm thể hiện tình cảm, lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Nơi đây đã được xây dựng bia tưởng niệm, miếu thờ, nhà dâng hương, nhà lưu niệm, 269 bậc đá dẫn lên hang Lèn Hà, tái tạo lại giếng nước, ao cá, cây xanh, cảnh quan khang trang. Song song đó, hạng mục đường vào di tích lịch sử hang Lèn Hà dài 10km đã được tỉnh Quảng Bình và huyện Tuyên Hóa quan tâm đầu tư 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng, vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Trở lại Lèn Hà lần này, thật ấm lòng hơn, đường vào Lèn Hà chỉ mất mấy phút đi ô tô. Gặp người dân bản Hà, cụ Cao Thị Lộc (70 tuổi) cười rung mái tóc bạc: “Bây giờ nhìn bản Lèn Hà đường sá khang trang, nhà cửa khác trước nhiều. Trẻ em tung tăng đến trường, tôi vui lắm! Đổi thay như vậy với xã biên giới là một nỗ lực rất lớn”.

Tin cùng chuyên mục