Trở lại “bình thường mới”, vẫn chưa nhận được hỗ trợ

Có lẽ ngành du lịch là ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất do dịch Covid-19. Giãn cách xã hội, nhiều công ty du lịch đóng cửa, các khách sạn buộc phải dừng hoạt động, nhân viên nghỉ việc… Thế nhưng, do thủ tục và vướng nhiều quy định chưa khả thi nên gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng được giải ngân khá chậm, khó khăn của người lao động không được giải quyết kịp thời.

Đến ngày 7-9, các hoạt động xã hội đã trở lại “bình thường mới” thì danh sách hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa được chính quyền một số địa phương giải quyết. 

Một số doanh nghiệp khách sạn ở quận 1 kể, đơn vị đã làm hồ sơ xin trợ cấp cho người lao động nghỉ việc để nhận hỗ trợ từ tháng 4, với đầy đủ thủ tục gồm hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đã nghỉ việc, không còn hưởng lương từ doanh nghiệp; cơ quan thuế xác nhận doanh nghiệp bị lỗ, không có doanh thu… Dù hồ sơ xin hỗ trợ tiền trợ cấp cho tháng 4 nhưng đến gần cuối tháng 7, UBND quận 1 mới ký quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc; giao Trưởng phòng LĐTB-XH quận liên hệ chuyển kinh phí hỗ trợ đến người lao động. Tưởng như thế là được giải quyết, nhưng chờ mãi hết tháng 8 vẫn chưa thấy tiền vào tài khoản, doanh nghiệp đến liên hệ Phòng LĐTB-XH xã hội thì được trả lời lúc thì chậm do thiếu nhân sự, lúc thì cần xác minh, khi thì đã chuyển hồ sơ cho Kho bạc và chờ Kho bạc quận 1 xác minh. Chờ mãi không thấy, chúng tôi hỏi Kho bạc thì được Kho bạc khẳng định hồ sơ nào chuyển sang là được giải quyết trong ngày, nhưng Kho bạc vẫn chưa nhận được danh sách mà chúng tôi cung cấp. Doanh nghiệp lại quay về Phòng LĐTB-XH để hỏi thì được hứa sẽ giải quyết. Nhưng đến nay, khi UBND TPHCM ban hành văn bản cho phép các quán bar, vũ trường hoạt động trở lại (ngày 7-9), số tiền hỗ trợ cho người lao động mất việc trong tháng 4 vẫn chưa được giải quyết. Hồ sơ xin hỗ trợ tháng 5 hiện đang nằm ở cơ quan nào không biết.

Doanh nghiệp ở một số quận khác cũng cho biết, xin gói hỗ trợ cho người lao động mất việc 1.800.000 đồng/tháng không dễ. Bởi điều kiện để người lao động mất việc được hỗ trợ là doanh nghiệp đó phải kinh doanh lỗ, không có doanh thu. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong mùa dịch, người lao động bị nghỉ việc, nhưng doanh nghiệp vẫn có doanh thu do nhận tiền thanh toán nợ của các hợp đồng trước đó. Khi đó, cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp vẫn có doanh thu nên không xét hỗ trợ cho người lao động. Điều đó gây thiệt thòi cho người lao động thật sự bị ảnh hưởng bởi dịch.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý đề nghị của các bộ, ngành sửa đổi, đơn giản hơn khâu thủ tục của các gói hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19. Mong rằng sự điều chỉnh lần này sẽ đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ trong khi khá nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là khối kinh doanh lữ hành, khách sạn, đã không còn cầm cự nổi.

Tin cùng chuyên mục