Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm làm gì để tham ô gần 50 tỷ đồng?

Với số tiền chênh lệch từ việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng.

Ngày 28-12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Theo đó, 8 bị can bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" trong vụ án này gồm: Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí - PVC), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land),  Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vietsan), Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Công ty Cổ phần Minh Ngân), Nguyễn Thị Kim Thoa (Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Công ty Cổ phần Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (mối giới, kinh doanh tự do).

Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm làm gì để tham ô gần 50 tỷ đồng? ảnh 1 Bị can Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội "Tham ô tài sản"

Theo cáo trạng, năm 2009-2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chủ trương chuyển tất cả các công ty bất động sản về PVC. Theo chủ trương này, PVP Land sáp nhập với PVC, kéo theo dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) có chủ đầu tư là Công ty Xuyên Thái Bình Dương, trong đó PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần và Vietsan chiếm 25% cổ phần. Do đó, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong và một số cá nhân khác là những người có quyền quyết định và có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương mà ở đây là dự án Nam Đàn Plaza.

Để PVP Land thoái vốn khỏi dự án Nam Đàn Plaza, Thái Kiều Hương đã nhờ Đinh Mạnh Thắng để Hương và môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy gặp Trịnh Xuân Thanh, qua đó nhờ Thanh tác động để cho PVP Land thoái vốn. Thanh đã đồng ý cho PVP Land thoái vốn, đồng thời chỉ đạo Đào Duy Phong tìm giới thiệu khách muốn mua dự án Nam Đàn Plaza. Trong khi đó, Hương và Duy cũng bàn bạc, truyền đạt ý kiến của Trịnh Xuân Thanh về niệc bán cổ phần thấp hơn giá thực tế.

Tiếp đó, ngày 1-4-2010, Phong ký tờ trình việc bán cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2 gửi lên Trịnh Xuân Thanh và được chấp nhận việc này. Sau đó ít ngày, Lê Hòa Bình ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông ở Công ty Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2.

Việc thanh toán hợp đồng này đã tạo ra chênh lệch giá cổ phần trị giá hơn 87 tỷ đồng của PVP Land, trong đó có tài sản nhà nước.

Với số tiền chênh lệch từ việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm 14 tỷ đồng, Đào Duy Phong chiếm đoạt 10 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng chiếm 5 tỷ đồng, Nguyễn Ngọc Sinh chiếm 2 tỷ đồng và một số bị can khác.

Do toàn bộ cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thuộc phần vốn góp của PVC là doanh nghiệp nhà nước có hơn 87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nên hành vi của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm có căn cứ cấu thành tội Tham ô tài sản.

Cáo trạng làm rõ, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land dưới mức giá chung nên giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Đáng chú ý, trong vụ án này, bị can Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng kinh tế kế hoạch PVP Land) do đã chết nên được Cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Hùng.

Tin cùng chuyên mục