Trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”

Thủ tướng vừa có văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình tổ chức UNESCO xem xét đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ký hồ sơ theo quy định. Theo đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31-3.

Chủ thể sáng tạo di sản “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” là những cư dân người Việt ở làng Đông Hồ xưa (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” là nghề thủ công truyền thống, ra đời cách đây hàng trăm năm.

Các nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất những bức tranh thuộc loại hình mỹ thuật dân gian, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, màu sắc và đồ họa. Tranh có nhiều loại, bao gồm tranh: chúc tụng, lịch sử, truyện, thờ, sinh hoạt, phong cảnh. Các công đoạn làm tranh như sáng tác mẫu tranh, khắc ván in, làm màu, in tranh đều bằng tay.

“Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” gắn với tập tục treo tranh vào ngày tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên. Người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, tập quán xã hội, được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, làng Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh, với khoảng 180 gia đình, trong đó có khoảng 80% số hộ làm tranh. Nhưng đến nay chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân (Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Hữu Quả) với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh; trong khi nhiều nhà đã chuyển sang làm hàng mã.

Thực tế, số người theo nghề làm tranh gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nên nghề làm tranh truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và biến mất. 

Tin cùng chuyên mục