Trình dự thảo hướng dẫn nặng hình thức, ít khả thi

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hiện hành về trách nhiệm của các ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nhưng có tiếp thu bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quy trình này. Đồng thời, UBTVQH cũng chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định khác để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan ngay từ giai đoạn lập đề nghị, soạn thảo, thẩm tra. Quá trình thảo luận tại phiên họp, ĐBQH không có ý kiến thêm về vấn đề này. Như vậy, quy định “đổi vai” khi tiếp thu, chỉnh lý các dự luật, vốn là chủ đề tranh luận sôi nổi tại kỳ họp trước, đã không được chấp nhận. 

Một nội dung khác trong dự thảo luật tiếp tục được giữ như quy định của luật hiện hành là trong hồ sơ dự án phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. Quy định này nhằm mục đích giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan trình cũng như các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH có sự định hướng trước một cách tổng thể về những vấn đề dự kiến điều chỉnh và áp dụng khi luật được ban hành, đồng thời khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

“Đây là quy định mới được bổ sung trong lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và trong thực hiện thời gian qua cho thấy có tác dụng tích cực. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của luật hiện hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng lập luận để giữ quy định hồ sơ dự án phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo là chưa thuyết phục.

“Sở dĩ phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành là vì ở giai đoạn xây dựng, hoàn thiện chưa thể chi tiết hóa ngay được. Như Luật Xử lý vi phạm hành chính cần tới có 57 nghị định, có nghị định bao gồm hàng trăm điều. Yêu cầu cơ quan soạn thảo đồng thời gửi ngay văn bản hướng dẫn trong hồ sơ dự luật là không khả thi. Nếu thực sự có thể hướng dẫn ngay thì cơ quan soạn thảo đã đưa luôn vào luật rồi”, bà Thủy phát biểu.

Trình dự thảo hướng dẫn nặng hình thức, ít khả thi ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Quochoi
Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn chỉ cần thực hiện nghiêm túc các quy định hiện có ngay trong luật này cũng như các luật có liên quan như Luật Công chức. Chính vì những bất cập đó mà từ trước đến nay việc trình kèm các văn bản hướng dẫn hầu như chỉ mang tính hình thức. Như hồ sơ dự án Luật Thanh niên, văn bản hướng dẫn chỉ có tên điều mà không có nội dung… ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đồng tình với quan điểm này. Khi chưa thể hướng dẫn cụ thể được mà chỉ làm cho có thì chỉ làm lãng phí nguồn lực, thay vào đó ban soạn thảo nên tập trung hoàn thiện dự thảo luật. 

Tin cùng chuyên mục