Triều Tiên thử tên lửa tầm xa: Các nước phản ứng trái chiều

Sau khi Triều Tiên sáng 13-9 thông báo nước này đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về an ninh của bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực nói chung. 

Nhanh và xa hơn

Trước đó, cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên  KCNA cho biết, nước này đã phóng thử tên lửa tầm xa mới trong 2 ngày 11 và 12-9. Tên lửa bay khoảng 1.500km trước khi bắn trúng các mục tiêu và rơi xuống vùng biển quốc tế.

KCNA dẫn thông báo nhấn mạnh: “Nhờ vào quá trình phát triển hệ thống vũ khí đáng tin cậy và khoa học trong 2 năm qua, việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa - loại vũ khí chiến lược có vai trò to lớn đã được thúc đẩy. Chi tiết về các phần trong những vụ thử, đánh giá về động cơ hay những đánh giá về kiểm soát và dẫn đường cũng như sức mạnh của đầu đạn đã cho kết quả thành công”.

Các chuyên gia cho rằng, vũ khí mới được ra mắt của Triều Tiên giống với loại tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ hay Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.

Triều Tiên thử tên lửa tầm xa: Các nước phản ứng trái chiều ảnh 1 Hình ảnh về vụ thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa của Triều Tiên được KCNA công bố

Tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn nhiều và có tốc độ nhanh hơn tên lửa hành trình cùng kích cỡ. Tuy nhiên, tên lửa hành trình vẫn là mối đe dọa nguy hiểm vì chúng bay trên một đường thẳng và ở độ cao thấp, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân. Các cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh vào đêm 9-9 đánh dấu kỷ niệm 73 năm Quốc khánh.

Khác với các năm trước, năm nay Triều Tiên diễu hành chủ yếu là lực lượng bán quân sự, xe cứu hỏa và máy kéo chở pháo hơn là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các loại vũ khí chiến lược khác. Các cuộc thử nghiệm cũng diễn ra sau khi Triều Tiên cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng” để phản đối cuộc tập trận lớn giữa Hàn Quốc và Mỹ vào tháng trước. 

Phản ứng của thế giới

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, quân đội Hàn Quốc đang phân tích sâu vụ phóng tên lửa này với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, JCS từ chối xác nhận thông tin chi tiết, trong đó có thông tin về nơi tiến hành vụ thử và liệu Hàn Quốc có biết trước các vụ phóng này hay không. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản bày tỏ “lo ngại” về thông tin Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa.

Phát biểu ngày 13-9, Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi tình hình. Trong tuyên bố liên quan, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho biết các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên tạo ra “các mối đe dọa” đối với các nước láng giềng và xa hơn.

Tuyên bố nhấn mạnh hoạt động thử tên lửa cho thấy, Triều Tiên vẫn tập trung phát triển chương trình quân sự của nước này, tiềm ẩn nguy cơ đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi và tham vấn với các nước đồng minh cùng đối tác cũng như tái khẳng định cam kết trong việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga ngày 13-9 dẫn một nguồn tin quân sự khẳng định, các vụ thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa mới của Triều Tiên trong các ngày 11 và 12-9 không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Theo Yonhap, Triều Tiên bị cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo theo nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tên lửa hành trình không phải chịu các lệnh trừng phạt vì chúng được coi là ít mối đe dọa hơn so với tên lửa đạn đạo.

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa theo cách thể hiện sức mạnh quân sự của mình nhưng bằng cách sử dụng tên lửa hành trình, không phải tên lửa đạn đạo, nước này đã tránh được việc kích động Mỹ quá nhiều.

Tin cùng chuyên mục