Triệt tiêu “tín dụng đen”: Mở rộng kênh tài chính vi mô

Cùng với công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm cho vay lãi nặng, TPHCM đã và đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi để người dân có cầu cấp bách tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
Người dân huyện Củ Chi, TPHCM làm thủ tục để vay ưu đãi. Ảnh: NGÔ BÌNH
Người dân huyện Củ Chi, TPHCM làm thủ tục để vay ưu đãi. Ảnh: NGÔ BÌNH

Cứu cánh lúc ngặt nghèo 

Ngày 18-8, Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12 (TPHCM) tiến hành giải ngân cho nhiều hộ dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vay vốn ưu đãi phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, học tập và sản xuất kinh doanh. Mức vay từ 10 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng, lãi suất dao động khoảng 7%/năm. Cầm số tiền 50 triệu đồng trên tay, ông Võ Duy Anh (ở quận 12) vui mừng vì đã có vốn mở một quán ăn nhỏ tại nhà, giúp tăng thu nhập cho gia đình.

“Gói vay với lãi suất thấp như cứu cánh của chúng tôi. Có số tiền vay này, chúng tôi không phải vay bên ngoài với lãi suất cao”, ông Duy Anh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, nhiều năm qua, quận đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động quận 12 cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình hướng nghiệp, giới thiệu việc làm để người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp có nhân lực phát triển sản xuất kinh doanh, vừa giúp người dân có công việc, thu nhập ổn định để không vướng vào đối tượng cho vay lãi nặng, tổ chức “tín dụng đen”. 

Tương tự, UBND huyện Củ Chi (TPHCM) cũng triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho người lao động trên địa bàn để phục vụ học tập, giải quyết việt làm, sản xuất kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo. 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi đã giải ngân gần 112,3 tỷ đồng, giúp 170 hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 900 lao động; hỗ trợ gần 70 lượt học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ 8 lượt người sử dụng lao động trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 3.000 công nhân.

Mở rộng các gói vay

 Tại TPHCM, Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) cũng đang có nhiều chương trình ưu đãi hướng đến công nhân, người lao động hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn. Người lao động trong các công ty, xí nghiệp khi có nhu cầu vay vốn gấp, liên lạc với công đoàn công ty để nộp đơn với mức vay tối đa 50 triệu đồng/lần, lãi suất chỉ 0,55%/tháng. Khách hàng có thể trả gốc và lãi hàng tháng theo hình thức trả góp.

Đại diện CEP thông tin, trong năm 2022, CEP tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu suất hoạt động để duy trì khả năng bền vững tài chính, đồng thời đảm bảo mục tiêu trọng tâm là giảm nghèo; đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, phát triển hộ sản xuất nhỏ. Bên cạnh việc cung cấp khoản vay nhỏ, CEP cũng tập trung các hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ thiết thực khách hàng công nhân và người lao động nghèo bị ảnh hưởng do đại dịch. Đến nay, đã có 81.805 khách hàng và hộ gia đình được hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình phát triển cộng đồng của CEP.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, từ năm 2017, NHNN đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Trong đó, tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh trong thời gian qua và đạt được những kết quả tích cực. Tính đến đầu tháng 5-2022, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021. Ngoài nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 4-2022 đạt gần 263.000 tỷ đồng với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm, NHNN sẽ mở rộng hơn tín dụng chính thức. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện quá phức tạp hay thủ tục khó khăn. Việc này nhằm đảm bảo người dân có thể dễ dàng tiếp cận những khoản tín dụng nhỏ, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con, con cái đau ốm, trả tiền thuê nhà…

Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Cùng với đó là phát triển mạng lưới, tăng tiếp cận người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân.

Theo lãnh đạo NHNN Việt Nam, hiện 2 công ty tài chính FE Credit và HD Saison đã cam kết có gói 10.000 tỷ đồng/công ty với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất thị trường dành cho công nhân. Với gói vay này, NHNN sẽ giám sát cho vay, các bên cho vay sẽ phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đảm bảo số tiền này cho vay đúng đối tượng, quản lý khoản tiền vay đúng mục đích.

Tin cùng chuyên mục