Triệt tận gốc Vlog nhảm

Chưa đầy một tháng sau khi bị phạt 7,5 triệu đồng vì clip nấu cháo gà cả lông, chủ nhân kênh YouTube mang tên Hưng Vlog lại bị Sở Thông tin - Truyền thông Bắc Giang “tuýt còi” lần 2 với clip đập trộm heo đất của người em để lấy tiền. Lần này, mức phạt hành chính là 10 triệu đồng, cao hơn 30% so với vi phạm đầu tiên.

Vào thời điểm nhận mức phạt 7,5 triệu đồng, bản thân Nguyễn Văn Hưng (chủ của kênh Hưng Vlog) cũng thừa nhận clip của mình gây phản cảm với mọi người, gây lãng phí thực phẩm và tạo dư luận không tốt. YouTuber này cam kết sẽ chú ý hơn về nội dung để các video mang tính giáo dục, nhân văn hơn trong thời gian tới. Vậy mà chỉ ít lâu sau đó, nhân vật này lại thực hiện một kịch bản tệ hơn là “xúi trẻ em đi ăn trộm tiền của người khác để tiêu xài, giả vờ như đó là tiền của mình”. 

Việc cạn kiệt ý tưởng để làm ra những clip ấn tượng để thu hút người xem hẳn là đã rõ, song nguy hại hơn là những kịch bản mà nhân vật này hả hê cho rằng “chất” và “đẳng cấp” thực chất đang cổ xúy người xem thực hiện hành vi vô văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, do chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính với mức phạt được cho là “muỗi đốt inox” khiến chủ nhân các clip nhảm nhí, như Nguyễn Văn Hưng, không chùn bước trước cơ hội kiếm tiền từ YouTube. Cũng bởi là “mỏ vàng” với những nút bạc, vàng, kim cương (thể hiện lượng người đăng ký theo dõi), hàng loạt kênh YouTube ra đời, trong đó rất nhiều kênh nhảm nhí như: Bà Tân Vlog, Lâm Vlog, Thắng Cá Chép… Trước đó không lâu, chính Khá Bảnh và Huấn Hoa Hồng - những nhân vật được coi là “giang hồ mạng” - cũng nổi lên từ YouTube, gây náo động cộng đồng mạng một thời.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền; giao Bộ Thông tin - Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý. Ngoài chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ nhằm chấn chỉnh, lành mạnh hóa không gian mạng thì cần những giải pháp khả thi khác. Đó là người xem cần tận dụng triệt để các nguyên tắc cộng đồng của YouTube áp dụng cho toàn bộ video được đăng tải, như cấm các nội dung khỏa thân hoặc khiêu dâm, gây hại hoặc nguy hiểm, bạo lực, kích động thù địch, quấy rối, spam, lừa đảo hoặc đe dọa, vi phạm bản quyền... Trong khi đợi cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt thì người dùng nên chú ý sử dụng quyền phản hồi tiêu cực (report video) với các kênh bản thân cho là có hại, hoặc báo cáo cho cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo phân tích của một số chuyên gia mạng, nội dung YouTube sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber. Bởi thế, nếu chỉ tập trung vào xử phạt YouTuber là chưa triệt để. Thay vì quản lý nội dung từng kênh, mà các kênh này có thể thay hình đổi dạng khôn lường như Nguyễn Văn Hưng có Hưng Vlog, Hưng Troll, Hưng Gamer… thì cần phải quản lý theo đầu mối. Cơ quan chức năng có thể tương tác trực tiếp với các mạng đa kênh như một cách kiểm duyệt nội dung đầu vào, nguồn tiền từ YouTube đổ về cho các YouTuber tại Việt Nam. Chỉ có như vậy mới hy vọng ngăn chặn được sự phát triển như nấm độc của các kênh YouTube nhảm nhí, kích động bạo lực, đi ngược với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt, như thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục