Triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán “hàng nóng”

Vụ án ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và vụ dùng súng AK sát hại 2 người, làm 5 người bị thương tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn mới đây đã cho thấy việc quản lý các loại vũ khí quân dụng vẫn còn quá lỏng lẻo. 

Hành vi mua bán, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vật liệu nổ nhằm mục đích kinh doanh là phạm pháp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ ngày 10-1-2020) đã sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí quân dụng; về “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao”.

Theo đó, các vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, cũng phải bị quản lý chặt. Cần thực thi nghiêm Khoản 2 Điều 73 về việc Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Để kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nên thực hiện đợt tổng kiểm tra, rà soát, đồng thời thâm nhập, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán hàng nóng. Việc cần làm ngay là buộc dừng hoạt động các cơ sở phế liệu thu mua, tận dụng bom đạn, thuốc nổ phế liệu; tập trung về các đơn vị của công binh. Các hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, kể cả pháo nổ, phải bị xử lý nghiêm để đủ sức răn đe. Trong công tác điều tra chống tội phạm hình sự, cần chú trọng điều tra truy ra các đường dây buôn bán, cung cấp vũ khí quân dụng và chế tạo, sản xuất thủ công các vũ khí thô sơ.

Tin cùng chuyên mục