Triển vọng từ công nghệ tái tạo năng lượng

Đây là dự án được Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm Môi trường Thế giới (GEC) của Nhật Bản quản lý. Hiệu quả của dự án đã được SIHUB triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Qua hội thảo ra mắt “Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản”, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (SIHUB - thuộc Sở KH-CN TPHCM) phối hợp cùng Tập đoàn MILAI (Nhật Bản) tổ chức cho thấy, giải pháp công nghệ xử lý rác thải với mục tiêu không phát thải CO2 trong suốt quy trình từ vận chuyển đến xử lý rác thải hữu cơ có những lợi ích thiết thực. Thay vì gom về bãi rác tập trung, công nghệ này cho phép xử lý rác ngay tại trạm trung chuyển ở xã phường, không gây bốc mùi và hầu như không phát thải CO2.

Công nghệ xử lý rác hữu cơ của MILAI cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm 2 thành phần chính là hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải khí CO2, xử lý hiệu quả rác thải hữu cơ.

Theo đó, rác hữu cơ được thu gom bằng xe điện và dùng chính điện được tạo ra từ quá trình xử lý rác mà xe mang về để sạc ngược lại cho xe, tạo nên một vòng khép kín năng lượng nhằm giảm phát thải CO2.

Triển vọng từ công nghệ tái tạo năng lượng ảnh 1 Xe điện thu gom rác thải
Cụ thể, rác hữu cơ (chủ yếu là thực vật) sau khi phân loại được sấy cưỡng bức trong túi khí từ 4 - 5 ngày với sức nóng và gió tản nhiệt do pin năng lượng mặt trời cung cấp. Nhờ đó, lượng nước trong rác hữu cơ từ 80% giảm còn 20% mà vi sinh vật không kịp phân hủy gây bốc mùi hôi.

Sang quá trình carbon hóa, rác khô được đốt trong điều kiện yếm khí tạo ra than củi, sau đó xay nhuyễn, ép viên, đưa vào hệ thống để cho ra 2 sản phẩm cuối cùng là khí đốt và phân bón carbide (tro cuối cùng của carbon, sạch cho môi trường và có hàm lượng than hoạt tính cao).

Quá trình đốt tạo ra CO2 trung tính được hấp thụ dễ dàng bởi thực vật, hầu như rất ít nên không gây hiệu ứng nhà kính. Khí đốt làm chạy máy phát điện dùng để sạc cho xe bán tải đi thu gom, vận chuyển rác từ nguồn đến điểm trung chuyển hoặc sử dụng vào mục đích khác. Phân bón được thử nghiệm tạo năng suất cho cây trồng, làm gạch không nung hoặc bộ phận lọc nước.

Tập đoàn MILAI chuyên nghiên cứu và phát triển về tự động tại Nhật Bản và dẫn đầu về thiết kế 3D Digital trong lĩnh vực tự động, đặc biệt là mảng thiết kế phương tiện đi chuyển mới, bao gồm các xe cơ giới, hệ sinh thái giao thông vận tải, giao tiếp và tương tác với con người.

Ông Ichiro Hatayama, Chủ tịch Tập đoàn MILAI, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn cùng với các chuyên gia của SIHUB chuyển giao và nội địa hóa công nghệ phát điện và nhiệt từ rác thải hữu cơ với hiệu suất cao. Đây là công nghệ rất phù hợp với tính chất và thành phần rác thải của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều đối tác phối hợp cùng MILAI và SIHUB áp dụng và nhân rộng công nghệ này tại Việt Nam”.

Theo SIHUB, bước đầu công nghệ 6R đã được chuyển giao cho một công ty cơ khí ở TPHCM sản xuất. Trong khi đó, một hệ thống siêu thị Nhật Bản cũng đã đặt vấn đề sử dụng giải pháp này. Cũng cần thấy rằng, công nghệ này đã được nội địa hóa 90% nên chi phí đầu tư cũng rẻ hơn tối thiểu là 30% nên các đơn vị muốn chuyển giao công nghệ cũng không quá ngại ngần về giá cả của công nghệ.

Đây là dự án được Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm Môi trường Thế giới (GEC) của Nhật Bản quản lý. Hiệu quả của dự án đã được SIHUB triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Giám đốc SIHUB Huỳnh Kim Tước cho biết thêm: “Với các quy định mới về yêu cầu phân loại rác thải đang được áp dụng tại TPHCM, việc áp dụng công nghệ này vào xử lý rác thải hữu cơ để tái tạo năng lượng là rất phù hợp. Từ thực tiễn hơn 15 năm trong lĩnh vực năng lượng, việc áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu phát thải khí nhà kính luôn là mục tiêu hàng đầu của SIHUB. Do đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác cùng với MILAI cùng tìm kiếm các đối tác chuyển giao và nội địa hóa công nghệ”.

Tin cùng chuyên mục