Triển vọng số hóa ở châu Á

Không thể phủ nhận công nghệ số đã giúp cho thế giới tiếp tục hoạt động một cách bình thường, các gia đình được kết nối với nhau và các cơ sở kinh doanh vẫn có thể mở cửa trong một năm đầy thách thức như năm 2020. 
Kinh tế kỹ thuật số - động lực thúc đẩy châu Á chuyển mình
Kinh tế kỹ thuật số - động lực thúc đẩy châu Á chuyển mình

Bước sang năm 2021, khi toàn thế giới đang có xu hướng chuyển mình khỏi nền kinh tế truyền thống thì châu Á cũng không là một ngoại lệ. Xu hướng này đặt châu Á đứng trước thời cơ thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số, xây dựng một nền kinh tế số hội nhập hơn và thúc đẩy thương mại số cũng như một đồng tiền số chung.

Trên thực tế, báo cáo triển vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10-2018 cho thấy trình độ số hóa ở các nền kinh tế khác nhau của châu Á cao hơn so với các nước ở các khu vực khác. Ngay cả những nền kinh tế tương đối nghèo hơn của châu Á cũng tiến hành chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Trong 20 năm qua, đổi mới sáng tạo số đã đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của châu Á. 

Các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại số trong nội bộ châu Á sẽ giúp các nước châu Á đứng vững trước tác động của thương mại toàn cầu đang thu hẹp. Việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gần đây và hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về Hiệp định Toàn diện về đầu tư (CAI) được cho là sẽ giúp Trung Quốc, châu Á và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giải phóng tiềm năng tăng trưởng khổng lồ của mình trong nền kinh tế số kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19. 

ASEAN là khu vực mà điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ và nền kinh tế Internet đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Việc xây dựng nền kinh tế số là một phần then chốt trong sự phát triển chiến lược của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Malaysia.

Với sự phát triển của các công nghệ thông tin mới và nền kinh tế số, trong những năm gần đây, Singapore  đã tích cực đi đầu trong việc thiết lập các mối quan hệ đối tác kinh tế số với các nước như Trung Quốc, New Zealand, Australia và Chile, cũng như với ASEAN. Chính tầm nhìn đằng sau việc thiết lập mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và xây dựng một mạng lưới dữ liệu mở cho ASEAN là thúc đẩy sự hợp nhất số trong kinh tế và thương mại khu vực. Trong khi đó, theo hrmasia.com, với việc Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin công bố kế hoạch tổng thể kinh tế kỹ thuật số quốc gia với tên gọi MyDigital vào ngày 19-2, Malaysia đặt mục tiêu tạo ra 500.000 việc làm trong nền kinh tế kỹ thuật số và đóng góp 22,6% vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước vào năm 2025.

Bài phân tích trên Thinkchina.sg khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cản trở sự phát triển của nền kinh tế truyền thống và dưới cái bóng của chủ nghĩa đơn phương, nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số đã xuất hiện. Cộng với những xu hướng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế số được nêu ở trên, đã đến lúc cần nắm bắt cơ hội để xây dựng một nền kinh tế số châu Á hội nhập hơn. Khu vực này được kỳ vọng sẽ dẫn đầu quá trình số hóa toàn cầu và sẽ được lợi lớn từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế số trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục