Triển vọng mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm

Những năm gần đây, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang nhân rộng cách làm này. 
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Nuôi tôm vẫn là kinh tế chủ lực của nhiều nông dân ở tỉnh Cà Mau. Trước đây, trong vuông tôm, người dân hay thả thêm cua để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, cua thường chết nhiều vào mùa khô, làm thiệt hại rất lớn. Trước tình hình trên, nhiều nông dân tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết, giờ đây, thu nhập chính của gia đình ông là nhờ sò huyết, còn thu nhập từ con tôm đã giảm đáng kể.

“Vụ đầu tiên, tôi đầu tư thả 15 triệu đồng tiền giống sò huyết, sau 8 tháng thu hoạch, gia đình tôi lãi được 40 triệu đồng. Vụ thứ hai thì thả 25 triệu đồng tiền giống và lãi trên 72 triệu đồng. Vụ này, tôi mới thả nuôi được hơn 1 tháng, sò đang phát triển rất tốt. Nuôi sò huyết trong vuông tôm có lợi thế là không phải tốn kém tiền thức ăn mà chỉ tốn công quản lý. Nhìn chung, lợi nhuận từ cách làm này khá cao, ít rủi ro hơn so với nuôi con khác”, ông Phúc chia sẻ.

Huyện Năm Căn là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm. Hiện trên địa bàn có 898 hộ nuôi theo cách này với quy mô 1.440ha và đạt hiệu quả khá cao. Sản lượng lũy kế từ đầu năm đến nay đạt trên 440 tấn, có giá thị trường dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, loại 100 con/kg.

Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Năm Căn, cho biết, nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm có rất nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Vì thế, huyện đang triển khai và nhân rộng cách làm này. Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, để mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đạt hiệu quả cao, người nuôi nên thả đúng thời vụ (khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm). Khi nguồn nước ổn định là bắt đầu thả giống và nên chọn nguồn giống có tại địa phương. Người dân cũng cần kiểm tra độ mặn trong ao và nơi ươm giống phải thích hợp, chênh lệch không quá 5‰. 

Một trở ngại hiện nay là về con giống, chủ yếu được nhập ngoại tỉnh, chất lượng chưa được đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, giá thành cao… Trước thực tế trên, ông Trần Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết, ông đã trực tiếp đi học tập mô hình ươm giống sò huyết tại tỉnh Bến Tre. Sau đó, đã giao các ngành chuyên môn phối hợp nghiên cứu, học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất sò huyết giống từ các trang trại sản xuất sò giống của tỉnh Bến Tre.

Đồng thời, tỉnh mời gọi chuyên gia lĩnh vực này về địa phương chuyển giao kỹ thuật nhân giống sò huyết. “Đây là tiền đề nhằm chủ động được nguồn con giống tại chỗ, từ đó giúp hạ giá thành và thúc đẩy sản xuất sò thương phẩm trong vuông tôm thời gian tới”, ông Trần Đoàn Hùng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục