Triển vọng đầu tư

Trong bối cảnh khắp thế giới gặp nhiều khó khăn về thu hút vốn đầu tư và giảm tỷ trọng thương mại do đại dịch Covid-19 gây ra thì riêng khu vực ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng lại có những điểm sáng bất ngờ.

Theo trang thông tin công nghệ Digitimes có trụ sở tại vùng lãnh thổ Đài Loan, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn không ngừng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử.

Các công ty điện tử nước ngoài vẫn duy trì nhà máy ở miền Bắc Việt Nam bất chấp dịch bệnh. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (có trụ sở chính ở Mỹ), khoảng 65% công ty điện tử nước ngoài chọn đặt trụ sở tại miền Bắc, trong khi 30% chọn các khu công nghiệp ở miền Nam. Số còn lại chọn “lập nghiệp” ở miền Trung.

Cùng lúc này, theo Công ty Khảo sát và tư vấn về công nghệ Technavio (trụ sở ở London, Anh), ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020-2024. Lĩnh vực bán dẫn được coi là động lực cho nhiều ngành công nghiệp và là một trong 9 sản phẩm công nghệ giá trị cao tại Việt Nam.

Còn theo Công ty Nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (trụ sở chính ở Hồng Công), lượng xuất xưởng điện thoại thông minh của Việt Nam trong quý 2-2021 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. 

Còn với khu vực, Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cho biết mặc dù chịu các tác động tiêu cực của đại dịch, nhưng đầu tư vào các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn chiếm 20,3% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc. Do đó, ASEAN hiện đang là khu vực đầu tư quan trọng nhất của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Số liệu của FKI còn cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN đạt 731 tỷ USD, tăng 30,4% so với giai đoạn 2011-2015. Điều này là do sau khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018, một số doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu rút khỏi Trung Quốc nhằm tránh các quy chế xuất khẩu của Washington đối với Bắc Kinh.

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất của doanh nghiệp tại Trung Quốc phải đóng cửa do đại dịch dẫn tới hiện tượng chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng dịch chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN.

FKI chỉ ra rằng các việc cấp thiết hiện nay Hàn Quốc cần làm là sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Hàn Quốc - Campuchia, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Hàn Quốc - Indonesia, nối lại chuyến bay thương mại tới các nước đầu tư lớn trong khu vực này.

Cũng theo FKI, Seoul cần đẩy mạnh hỗ trợ bằng chính sách để tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước trong ASEAN như Indonesia và Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục