Triển vọng đàm phán hạt nhân Nga - Mỹ

Khi bước vào Nhà Trắng trong tháng tới, ông Joe Biden sẽ mang theo gần nửa thế kỷ kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, trở thành một trong những đặc phái viên dày dạn nhất về Nga được bầu làm tổng thống. 

Báo The Guardian dẫn lời cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Bradley, người đã đến thăm Moscow cùng ông Biden vào năm 1979, nói: “Joe biết rõ Liên Xô, hiểu nước Nga, có kinh nghiệm với Tổng thống Vladimir Putin và hiểu điều gì có thể và điều gì không thể”.

Theo The Guardian, với tư cách là Thượng nghị sĩ, ông Joe Biden từng gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ở Điện Kremlin vào năm 1979 trước khi đàm phán với Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin. Đặc biệt, vào năm 1984, ông Biden tới Moscow (cùng thượng nghị sĩ William Cohen khi đó) để mang thông điệp riêng từ Tổng thống Ronald Reagan về một “cách tiếp cận mới để kiểm soát vũ khí”. Hai năm sau, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã thảo luận nghiêm túc về việc loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh Reykjavik, Iceland. Ông Biden trở lại Moscow vào năm 1988 để thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước đã được ký kết sau đó.

Những lần ông Biden tới Liên Xô và Nga sau này cho thấy ông có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với Moscow. Điều này có thể giúp ích vào tháng tới, khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START Mới), một thỏa thuận được ông Biden chuyển qua Thượng viện với tư cách Phó Tổng thống vào năm 2010, sắp hết hạn. START Mới giới hạn Mỹ và Nga không được triển khai hơn 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân cũng như không được triển khai quá 1.550 đầu đạn chiến lược, mức thấp nhất kể từ những năm 1960.

Theo các nhà phân tích, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Trump để lại một kỷ lục không mấy ấn tượng về kiểm soát vũ khí. Ông Trump đã rút khỏi Hiệp ước INF. Các quan chức trong chính quyền ông Trump thậm chí từng cân nhắc việc tiến hành một vụ thử hạt nhân có thể chấm dứt lệnh tạm hoãn lâu dài và kích hoạt các vụ thử hạt nhân của các nước khác. Với quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp, kiểm soát vũ khí được xem là cách thức để giảm bớt căng thẳng. Khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20-1, ông sẽ phải nhanh chóng gia hạn START Mới vì khi đó chỉ còn hai tuần nữa là hiệp ước hết hiệu lực.

Tổng thống đắc cử Biden hiểu rằng kiểm soát vũ khí có thể đóng góp vào an ninh của Mỹ, điều mà Tổng thống Donald Trump dường như chưa bao giờ đánh giá cao. Ông Biden từng cho biết sẽ đồng ý gia hạn Hiệp ước START Mới, thỏa thuận duy nhất còn lại hạn chế các lực lượng hạt nhân của Mỹ và Nga. Chính quyền của ông cũng có thể hướng tới mục tiêu vượt xa hơn. Các nhà đàm phán cũng có thể tìm cách phục hồi các yếu tố của Hiệp ước INF đã bị Washignton hủy bỏ. Theo giới phân tích, để tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán thành công với Nga, trước tiên Mỹ nên đề xuất các cuộc đàm phán song phương để đạt một số hiểu biết chung về những gì tạo nên sự ổn định chiến lược.

Tin cùng chuyên mục