Triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội nghị khu vực phía Nam để triển khai thực hiện “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, diễn biến của biến đổi khí hậu  đang diễn ra nhanh, mức độ thiệt hại đến môi trường sống ngày càng nặng nề. Trong khi đó, thông tin cảnh báo lại không theo kịp… 
Nếu nước biển dâng 100cm thì khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL bị ngập. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: CAO THĂNG
Nếu nước biển dâng 100cm thì khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL bị ngập. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: CAO THĂNG
Hơn 60% diện tích ĐBSCL bị nhiễm mặn
Đơn cử như tại TPHCM, trước đây trung bình 3 năm mới xảy ra 1 - 2 cơn mưa lớn có lưu lượng trên 100mm và thời gian “trút nước” kéo dài trên 3 giờ. Thế nhưng, hiện tại trung bình mỗi năm xảy ra 3 cơn mưa với lưu lượng trên 200mm. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chỉ có thể xử lý được những cơn mưa có lưu lượng 100mm. Điều này khiến tình trạng ngập lụt tại thành phố ngày càng gia tăng.
Một vấn đề khác là tình trạng xâm nhập mặt khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng rất đáng lo ngại. Có đến hơn 60% diện tích đất khu vực này bị nhiễm mặn. Tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh… và kể cả TPHCM có những thời điểm nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, đến mức phải ngưng lấy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Ông Võ Văn Ngoan, Phó chi Cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre, nhận định Bến Tre được xem là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL. Trong khoảng 30 năm trở lại đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, bão, áp thấp xuất hiện và tác động ngày càng nhiều hơn với những diễn biến rất khó lường. Đỉnh triều cường ở mức cao gây tràn bờ, sạt lở các tuyến đê bao.
Bên cạnh đó, tình hình sạt lở vùng ven biển cũng có xu hướng trầm trọng hơn. Năm 2014, trên 4,5ha đất ven biển bị mất do sạt lở. Từ năm 2015 đến nay tuyến ven biển trên 5km và ven sông thường xuyên bị sạt lở do tác động của triều cường, nước biển dâng. Nước biển dâng và khô hạn kéo dài làm xâm nhập mặn ngày càng đi sâu vào nội đồng, gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Theo kết quả phân tích số liệu tại các trạm quan trắc khí tượng thủy văn từ năm 1980 đến nay cho thấy, nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển dâng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, nhiệt độ bình quân tăng khoảng 0,02150C/năm; lượng mưa trung bình tăng khoảng 8,4mm/năm; có sự thay đổi bất thường về cường độ, phân bổ lượng mưa theo không gian và thời gian, mực nước trung bình tăng 0,9cm/năm. 
Theo kịch bản “Biến đổi khí hậu và nước biển dâng” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100cm thì ĐBSCL sẽ có khoảng 38,9% diện tích bị ngập. Trong đó, tỉnh Hậu Giang có diện tích bị ngập đến 80,62%, Kiên Giang 76,86%, Cà Mau 57,69%, Long An 27,21%, Tiền Giang 29,67%, Bến Tre 22,2%, Trà Vinh 21,1%, Vĩnh Long 18,83%, Cần Thơ 20,52%, Bạc Liêu 48,6%, Sóc Trăng 50,67%...
Không chỉ nhiều diện tích bị ngập, mà ĐBSCL còn chịu nhiều hậu quả khác như gia tăng khí hậu cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ; ngập lụt; dòng chảy có thể giảm từ 15% - 25% trong mùa khô; gia tăng xói mòn các bờ sông. Khi nước biển dâng cao, nhiều diện tích gieo trồng bị ngập mặn; đê ngăn mặn, ngăn lũ giảm tác dụng; thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng và hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. Cường độ mưa tăng làm hệ thống thoát nước ở các đô thị quá tải, gây ngập úng thường xuyên hơn. 
Cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ 8% - 25%
Liên quan đến vấn đề này, GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, cho biết không chỉ quan ngại về vấn đề nhiễm mặn nguồn nước, khu vực ĐBSCL còn đang phải đối mặt với tình trạng lún và mất lượng phù sa bổ cập hàng năm. Dự báo trong tương lai gần, có đến 91% lượng phù sa vùng ĐBSCL bị tích trữ ở thượng nguồn sông Mê Công.
Trước thực trạng đó, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định: “Khu vực phía Nam, nhất là ĐBSCL chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, theo cam kết của Việt Nam với “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, Chính phủ đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 đạt 8% (tự thực hiện) hoặc 25% (có sự hỗ trợ của quốc tế). Hiện trung bình mỗi năm, các nước phát triển đã cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ cho các nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trên cho các hoạt động giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra”. 
Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 có mục tiêu đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp công trình. Cụ thể, thực hiện nâng cấp 6 - 10 công trình hồ, đập điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng; xây dựng 6 - 8 hệ thống kiểm soát nước mặn, giữ nước ngọt phù hợp với khu vực ĐBSCL, 2 - 3 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt tại khu vực ven biển; xây dựng 200km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn.
Cùng với đó, thực hiện mục tiêu xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50ha; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nội đồng khu tưới mẫu 100ha, xây dựng mô hình tổ chức quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi trong sản xuất lúa theo hướng tăng trưởng xanh…

Tin cùng chuyên mục